Kế hoạch 28/KH-UBND năm 2024 cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2024-2028

Số hiệu 28/KH-UBND
Ngày ban hành 20/02/2024
Ngày có hiệu lực 20/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sóc Trăng
Người ký Vương Quốc Nam
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 20 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN TỈNH SÓC TRĂNG, GIAI ĐOẠN 2024 - 2028

Thực hiện Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn; Công văn số 1711/BNN-TL ngày 22/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2024 - 2028, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo số lượng, chất lượng nước cấp và chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững công trình.

- Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh, giảm thiểu các bệnh lây truyền qua đường nước.

- Giảm tỷ lệ thất thoát nước, tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm duy trì áp lực cấp nước, cung cấp ổn định, đủ nước và đảm bảo chất lượng nước cấp theo quy định.

- Các hạng mục công trình thu, xử lý, trữ, phân phối nước sạch đến khách hàng được quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Lập phương án kiểm soát các nguy hại, rủi ro, sự cố có thể xảy ra trong hệ thống từ nguồn nước đến khách hàng và biện pháp cấp nước dự phòng trường hợp xảy ra gián đoạn cấp nước.

- Xây dựng cơ chế quản lý tài chính rõ ràng, doanh thu đủ bù đắp chi phí và có tích lũy phục vụ công tác duy tu, sửa chữa nhỏ và khắc phục sự cố.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Sự cần thiết phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn

Nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sống của con người ngày càng cao, yêu cầu chất lượng nước phải đảm bảo, chất lượng dịch vụ cấp nước cần được nâng cao là nhu cầu tất yếu của cộng đồng.

Ngày 11/7/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; ngày 21/11/2012, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 08/2012/TT-BXD hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; ngày 29/12/2022 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Việc xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn (KHCNAT) hiện trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các đơn vị cấp nước nhằm duy trì hoạt động bền vững của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn là hết sức cần thiết, nhằm xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp thực hiện của các cơ quan liên quan để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình quốc gia đảm bảo cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh.

2. Thực trạng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 111 trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh. Các công trình trạm cấp nước tập trung có công suất từ 168 đến 2.880 m³/ngày. Trong đó:

- Công trình cấp nước có công suất ≥ 20m³/giờ ≥ (480m³/ngày): 90 công trình.

- Công trình cấp nước có công suất < 20m³/giờ < (480m³/ngày): 21 công trình.

- Tỷ lệ bền vững các công trình cấp nước nông thôn đến năm 2022 như sau:

Stt

Mức độ

Tháng 12/2022

Ghi chú

Công trình

Tỷ lệ (%)

1

Bền vững

90

81

 

2

Trung bình

21

19

 

Tổng cộng

111

100

 

- Thực trạng cấp nước hiện nay: Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,06%; trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 01-1:2018/BYT là 59,6%.

3. Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể

3.1. Mục tiêu tổng quát

- Bảo đảm duy trì áp lực cấp nước, cung cấp ổn định, đủ lượng nước và bảo đảm chất lượng nước cấp theo quy chuẩn quy định.

[...]