Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2024 cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp tỉnh giai đoạn 2024-2028 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2024
Ngày có hiệu lực 10/01/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Phước Thiện
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 10 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2024 - 2028

Căn cứ Thông tư 23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn;

Căn cứ công văn số 1711/BNN-TL ngày 22/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.

Để triển khai thực hiện đạt các mục tiêu theo quy định của Thông tư 23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch Cấp nước an toàn khu vực nông thôn cấp Tỉnh giai đoạn 2024 - 2028, cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG CẤP NƯỚC NÔNG THÔN VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐẢM BẢO CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng các trạm cấp nước nông thôn

Tổng số trạm cấp nước (TCN) khu vực nông thôn đến cuối 2022 là 328 trạm, trong đó: Công trình hoạt động bền vững: 111/328 trạm; công trình hoạt động tương đối bền vững: 207/328 trạm; công trình hoạt động không bền vững: 10/328 trạm. Số TCN sử dụng nguồn nước ngầm: 217/328 TCN; số TCN sử dụng nguồn nước mặt: 111/328 TCN.

Lộ trình chuyển đổi nguồn nước ngầm sang nguồn nước mặt: So sánh từ năm 2020 đến năm 2023 tổng số TCN đã giảm 46 TCN (từ 374 TCN xuống còn 328 TCN), cụ thể:

- Có 111 TCN sử dụng nguồn nước mặt (Tăng 50 TCN so với năm 2020). Trong đó:

+ Có 61 TCN sử dụng nguồn nước mặt (dự án đầu tư mới và dự án chuyển từ nước ngầm sang nước mặt).

+ Có 50 TCN ngầm thực hiện đấu nối vào nguồn nước mặt sẵn có trong khu vực (nhưng chưa thực hiện trám lấp giếng).

- Có 217 TCN sử dụng nguồn nước ngầm (giảm 96 TCN ngầm so với năm 2020).

Khu vực nông thôn: Tổng số hộ dân nông thôn là 356.536 hộ. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (356.536/356.536 hộ). Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đáp ứng QCVN (quy chuẩn áp dụng) đạt 90,27% (321.860 /356.536 hộ).

Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân khu vực nông thôn từ 25% - 30%.

Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư có quy mô, công suất phục vụ cấp nước nhỏ lẻ, manh mún, dân cư khu vực cấp nước phân tán, cơ bản khách hàng sử dụng nước sinh hoạt nông thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, một số công trình đã ngừng hoạt động, thu không đủ bù đắp chi phí do đó cần phải có nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa để công trình phát huy hiệu quả, cấp nước an toàn.

Đa phần TCN có công nghệ xử lý nước lạc hậu, mạng lưới đường ống xuống cấp dẫn đến tỷ lệ nước thất thoát lớn khoảng 25% - 30%. Các TCN ngầm sử dụng nước được bơm trực tiếp từ giếng ngầm không qua xử lý cung cấp cho hộ dân sử dụng, dẫn đến việc người dân nông thôn sử dụng nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng.

Các mô hình quản lý hiện nay trên địa bàn tỉnh gồm: Mô hình quản lý đơn vị sự nghiệp có thu có 17 TCN chiếm 5,18% (Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Quản lý khai thác công trình Thuỷ lợi và Nước sạch nông thôn); mô hình quản lý theo hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty có 301TCN chiếm khoảng 91,72% và Mô hình quản lý hợp tác xã có 10 TCN chiếm 3,1%.

2. Sự cần thiết ban hành kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh

Các công trình cấp nước nông thôn phần lớn có quy mô nhỏ được nhiều mô hình tổ chức quản lý để thu gom, xử lý, lưu trữ và phân phối nước sinh hoạt từ nguồn nước đến người tiêu dùng. Những thách thức về vận hành và quản lý công trình cấp nước nông thôn gặp phải là: phần lớn nhân viên vận hành không được đào tạo chính quy và chi phí chưa được tính đúng tính đủ. Đơn vị cấp nước khu vực nông thôn phải đối mặt với:

- Thiếu khả năng tiếp cận và hỗ trợ của chuyên gia; chỉ nhận được sự hỗ trợ hạn chế về quản lý và kỹ thuật từ cơ quan quản lý nhà nước.

- Nguồn nước thay đổi theo mùa cả số lượng, chất lượng nước hoặc nhu cầu cao điểm.

- Nguồn tài chính hạn chế và không chủ động để đầu tư vào sửa chữa và nâng cấp.

Kinh nghiệm cho thấy các hệ thống cấp nước nông thôn có nhiều nguy cơ bị hỏng và nhiễm bẩn, dẫn đến khả năng bùng phát dịch bệnh từ nguồn nước, chức năng dịch vụ suy giảm. Những rủi ro lớn nhất đối với sức khỏe từ các hệ thống cấp nước này là khả năng ô nhiễm vi khuẩn và bùng phát bệnh truyền nhiễm. Trong kế hoạch cấp nước an toàn, các biện pháp kiểm soát luôn được áp dụng nhằm bảo vệ nguồn nước; xử lý để loại bỏ các chất ô nhiễm nước; chống tái ô nhiễm trong quá trình phân phối và dự trữ an toàn tại hộ gia đình. Áp dụng kế hoạch cấp nước an toàn còn có nhiều lợi ích như:

- Giúp xác định được các mối nguy có thể xảy ra trong quá trình cấp nước và đánh giá rủi ro gắn với mỗi mối nguy đó, ưu tiên kiểm soát những mối nguy có rủi ro cao đối với sức khỏe người dân hoặc hệ thống cấp nước nhằm mang tính dự báo và phòng ngừa.

- Có biện pháp/kế hoạch kiểm soát phù hợp: Đảm bảo chất lượng thông qua kiểm soát bằng nhiều lớp rào chắn (biện pháp kiểm soát) để chất lượng nước luôn nằm trong tầm kiểm soát.

- Giảm sự lệ thuộc vào kết quả xét nghiệm nước đầu ra tiết kiệm chi phí.

- Phát huy vai trò của cộng đồng và nâng cao nhận thức của người dân trong việc cùng tham gia bảo vệ nguồn nước, bảo vệ mạng phân phối và trữ nước an toàn.

[...]