Kế hoạch 10619/KH-UBND năm 2023 thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 10619/KH-UBND
Ngày ban hành 28/11/2023
Ngày có hiệu lực 28/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10619/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BẢO ĐẢM CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nội dung như sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn nhằm đáp ứng số lượng, chất lượng nước và nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn góp phần quản lý rủi ro, khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, cơ sở xử lý nước và hệ thống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng; bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lưu lượng, duy trì đủ áp lực, chất lượng nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025: phấn đấu trên 97,5% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 40% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn; tỷ lệ hệ thống cấp nước nông thôn tập trung có công suất từ 100m3/ngày đêm trở lên được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt 100%.

b) Đến năm 2030: có trên 98% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; phấn đấu tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt khoảng 80%.

II. Nhiệm vụ, giải pháp:

1. Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về cấp nước an toàn khu vực nông thôn:

a) Chính quyền các cấp, các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông về bảo đảm cấp nước an toàn; chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn, chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, Luật Tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; kết quả tuyên truyền cần đạt được là nâng cao nhận thức về tính quan trọng của công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; xác định được đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

b) Tuyên truyền, vận động tổ chức, nhân dân, giám sát, quản lý, chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh hiện tượng sử dụng lãng phí nước sạch, thải bỏ chất thải vào nguồn nước và các tác động không có lợi đến chất lượng và trữ lượng nước; phân cấp ủy quyền để quản lý đầu tư thực hiện xây dựng các công trình cấp nước nông thôn tập trung; truyền thông qua các đoàn thể xã hội, phương tiện thông tin, truyển thông đại chúng bằng nhiều hình thức (phát thanh, truyền hình địa phương, ấn phẩm, báo, tờ rơi…) kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến người dân về quản lý, bảo vệ và sử dụng nước sạch an toàn, tiết kiệm (tập trung tuyên truyền cao điểm vào dịp Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm, ngày Môi trường thế giới…).

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách:

a) Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

b) Xây dựng chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.

c) Hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

3. Quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước:

a) Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 và Kế hoạch số 7050/KH-UBND ngày 21/8/2020 của UBND tỉnh về cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; thực hiện các quy định về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

b) Chính quyền địa phương các cấp, các sở ngành liên quan tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải, chất thải xả vào nguồn nước, nhất là nước thải sinh hoạt, công nghiệp; kiên quyết xử lý đối với hành vi xả thải không qua cấp phép, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép theo quy định của pháp luật; xác định mục tiêu, lộ trình giảm xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải.

c) Xây dựng, vận hành hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tiếp tục vận hành, rà soát, bổ sung các vị trí quan trắc chất lượng các nguồn cấp nước sinh hoạt nhằm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây tác động đến các nguồn cấp nước sinh hoạt; siết chặt quản lý, khai thác nước ngầm ở khu vực có nguy cơ sụt lún đất, kiên quyết xử lý đối với hành vi khai thác khi chưa được cấp phép theo quy định của pháp luật; kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép; đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng.

d) Quan tâm đầu tư xây dựng công trình bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, cấp, trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm nước bằng nhiều hình thức công trình với chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả (đào ao hồ nhỏ, công trình dâng nước bằng rọ đá trên suối nhỏ…); rà soát, thực hiện các quy định về lập thủ tục, hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các công trình cấp nước nông thôn thuộc đối tượng theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

4. Thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống cấp nước:

a) Triển khai lập và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn cho từng hệ thống cấp nước.

b) Đấu nối mở rộng các công trình cấp nước sạch tập trung có đủ năng lực, nhà máy cấp nước sạch đô thị ra khu vực nông thôn, khu vực cấp nước không ổn định để thuận tiện cho việc kiểm soát chất lượng nước, thuận lợi cho công tác quản lý, vận hành, giảm giá thành sản xuất ra nước sạch.

c) Tập trung đầu tư mở rộng, cải tạo mạng đường ống cấp nước tăng tỷ lệ bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước nông thôn tập trung; thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống, công trình cấp nước và xây dựng mới các hệ thống cấp nước tập trung.

d) Chuyển giao công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung hoạt động kém hiệu quả do UBND cấp xã, tổ tự quản quản lý cho các đơn vị có đủ năng lực để quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hoặc về Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình công công thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành (theo Thông báo số 86/TB-UBND ngày 22/4/2019 và Văn bản số 5759/UBND-TL ngày 04/8/2022 của UBND tỉnh).

đ) Rà soát, kiểm tra, đánh giá và đề xuất phương án xử lý đối với các công trình cấp nước không hoạt động hoặc hoạt động kém bền vững; tiếp tục hoàn thành các hồ sơ, thủ tục thanh lý những công trình hư hỏng, không thể khắc phục để tồn trên sổ sách theo dõi trong thời gian dài.

[...]