Kế hoạch 28/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 28/KH-UBND
Ngày ban hành 08/02/2023
Ngày có hiệu lực 08/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “CHĂM SÓC DINH DƯỠNG 1.000 NGÀY ĐẦU ĐỜI NHẰM PHÒNG, CHỐNG SUY DINH DƯỠNG BÀ MẸ, TRẺ EM, NÂNG CAO TẦM VÓC NGƯỜI VIỆT NAM” TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2022-2025

Thực hiện Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tâm vóc người Việt Nam”, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025 với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, chú trọng vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em

- Đến năm 2025: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 17%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 8%; riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15% ; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 1%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 20%, riêng ở vùng miền núi dưới 30%.

b) Nâng cao tỷ lệ thực hành về chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ.

- Đến năm 2025: 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 40% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6 - 24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

3. Phạm vi, đối tượng can thiệp

Chương trình được triển khai trên qui mô toàn tỉnh với các can thiệp ưu tiên về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, đó là phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ từ 0 - 24 tháng tuổi, cụ thể như sau:

+ Chương trình sẽ tập trung ưu tiên các nhóm trẻ có nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ nhỏ ở vùng miền núi, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

+ Để tăng hiệu quả các can thiệp, Chương trình cũng sẽ triển khai đến các đối tượng gián tiếp là người chăm sóc trẻ nhỏ, các cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

II. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác chỉ đạo điều hành

- Rà soát, xác định đối tượng về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, ưu tiên chính sách hỗ trợ phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi tại các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo.

- Xây dựng các chỉ tiêu về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời và đưa vào hệ thống các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại từng địa phương; xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp theo nhóm đối tượng và vùng miền. Long ghép các chỉ tiêu về dinh dưỡng trong Chương trình này với các chỉ tiêu về dinh dưỡng của các chương trình liên quan tại địa phương.

- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xây dựng kế hoạch và hệ thống chỉ tiêu, bố trí kinh phí, thực thi chính sách hỗ trợ phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi; việc thực hiện Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chú trọng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tổ chức thực hiện.

2. Công tác thông tin, truyền thông và vận động thay đổi hành vi về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đảm bảo sự cam kết và ủng hộ của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện kế hoạch.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông và vận động về lợi ích của việc khám thai định kỳ và chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng.

- Đa dạng hoá các phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng và tăng cường truyền thông trực tiếp (truyền thông tại hộ gia đình, lồng ghép trong các cuộc họp,...).

- Tập huấn phổ biến kiến thức và kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế, cán bộ hội phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời.

- Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh bằng hình thức phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích, các mô hình thực hiện có hiệu quả (như bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, thiết lập và vận hành ngân hàng sữa mẹ).

3. Công tác chuyên môn kỹ thuật

[...]