Kế hoạch 279/KH-UBND năm 2021 về phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2022

Số hiệu 279/KH-UBND
Ngày ban hành 07/12/2021
Ngày có hiệu lực 07/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 279/KH-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2022.

Thực hiện Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 16/9/2020 của Thành ủy Hà Nội triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kế hoạch số 222/kH-UBND ngày 18/11/2020 của UBND Thành phố về phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2022 nhằm đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân trong điều kiện bình thường mới với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

- Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nâng cấp, hoàn thiện hệ thống lưới điện của Thủ đô theo Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu về mặt quy mô và khối lượng đảm bảo cung ứng đủ điện cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đời sống dân sinh và phòng chống dịch Covid-19 với chất lượng, độ tin cậy, mức độ an toàn ngày càng cao. Chủ động, sẵn sàng đảm bảo điện cho mọi tình huống thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

- Triển khai giải pháp cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ điện, tiếp tục củng cố, duy trì và phấn đấu tăng thứ hạng xếp bậc về chỉ số tiếp cận điện năng, góp phần cải thiện yếu tố Hạ tầng căn bản nằm trong Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2022/UBND-NC ngày 28/6/2021, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và phục vụ tốt nhu cầu cấp điện cho nhân dân.

- Hướng dẫn các đơn vị điện lực hoạt động trên địa bàn Thành phố triển khai Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhằm mang lại diện mạo mới cho lưới điện Thủ đô xứng tầm văn minh, hiện đại kết hợp song hành thực hiện mục tiêu đảm bảo điện. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 trong truyền tải, phân phối, kinh doanh điện tối ưu hóa lợi ích và trải nghiệm của khách hàng sử dụng điện.

- Tiếp tục tạo mọi điều kiện để các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng công trình phát triển lưới điện, tham gia tạo dựng thị trường bán điện cạnh tranh không phân biệt thành phần kinh tế; Xây dựng môi trường kinh doanh điện cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch theo sự điều tiết của thị trường có sự quản lý, giám sát của nhà nước.

- Kế thừa nền tảng và tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ phát triển điện lực của giai đoạn 2021-2025 trong các lĩnh vực: đầu tư xây dựng hạ tầng hệ thống điện, an toàn điện, quản lý điện nông thôn, phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo, quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Thành phố chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu sau:

- Sản lượng điện thương phẩm:

+ Trong điều kiện bình thường mới, tăng trưởng điện phục hồi như trước khi có dịch, tốc độ tăng trưởng bình quân dự kiến đạt 7,1% so với năm trước. Sản lượng dự kiến: 22.248,43 triệu kWh.

+ Trong điều kiện không lý tưởng, các hoạt động phát triển kinh tế vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng điện bình quân cao hơn năm 2021 nhưng khó đạt như giai đoạn trước, đạt 5,6%. Sản lượng dự kiến: 21.936,83 triệu kWh.

- Điện năng thương phẩm bình quân đầu người: khoảng 2.650kWh/người/năm.

- Tỷ lệ tổn thất điện năng: duy trì dưới 3,6%.

- Chỉ số thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp: tiếp tục giảm dưới 165 phút.

- Tỷ lệ tiết kiệm điện trên tổng sản lượng điện tiêu thụ: khoảng 2,2%.

2. Triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 và các công trình chuyển tiếp từ giai đoạn trước, phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo 04 công trình 500-220kV và 24 công trình 110kV (bao gồm một số công trình chuyển tiếp từ giai đoạn trước), khởi công đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo 06 công trình 500- 220kV và 09 công trình 110kV đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải, phân phối an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải nhanh chóng sau dịch Covid-19.

3. Đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định cho 100% các cơ sở phòng chống dịch, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhà máy sản xuất nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch, các khu, cụm công nghiệp, các khu vực, địa bàn sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu điện; hỗ trợ tối đa doanh nghiệp thúc đẩy khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

4. Hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin xây mới trong nội đô và tại các khu vực phát triển đô thị, kết hợp chỉnh trang tại các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới theo các dự án đầu tư của Thành phố. Tiếp tục triển khai hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực tại 300 tuyến phố trong khu vực phố cũ thuộc các quận nội thành.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các tổ chức kinh doanh điện thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố hạ tầng lưới điện, năng lực quản trị, cải thiện chất lượng dịch vụ điện nhất là tại các khu vực nông thôn và các địa bàn tiếp nhận lưới điện sau bàn giao, đảm bảo ít nhất 80% các tổ chức kinh doanh điện được đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng về dịch vụ cấp điện.

6. Chỉ đạo các đơn vị truyền tải, phân phối điện tăng cường kiểm tra, rà soát đạt tỷ lệ tối thiểu 30% giảm thiểu các trường hợp vi phạm tồn tại trong năm 2021, không để tái diễn hay phát sinh các vi phạm mới. Chú trọng phối hợp chính quyền cơ sở ngăn ngừa ngay từ đầu các vi phạm trong giải phóng mặt bằng công trình đường dây điện đi qua nhiều địa bàn hoặc các vi phạm liên quan đến thả diều, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang lưới điện.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác đầu tư xây dựng phát triển lưới điện

- Tăng cường chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các tổ chức kinh doanh điện khác trên địa bàn Thành phố bố trí đủ nguồn kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch, Kế hoạch phát triển điện lực được phê duyệt có xét đến sự đồng bộ với Kế hoạch đầu tư các dự án sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo cấp điện cho người dân Thủ đô.

(Danh mục các công trình điện đầu tư xây dựng tại Phụ lục kèm theo).

- Xây dựng các kịch bản cấp điện theo tiêu chí linh hoạt, dự phòng cao đảm bảo cấp điện kịp thời trong mọi tình huống, có tính đến phương án tăng trưởng nóng, cục bộ về nhu cầu tiêu thụ điện trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu và các hoạt động sản xuất kinh doanh được dự báo phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Tiếp tục cải thiện các chỉ số cung cấp điện góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, thu hút đầu tư và phục vụ tổ chức thành công các sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa - xã hội trên địa bàn.

[...]