Công ước về Luật biển năm 1982

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 10/12/1982
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Liên hợp quốc
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

CÔNG ƯỚC

CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN[1]

(Ký kết ngày 10 tháng 12 năm 1982)

CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN CỦA CÔNG ƯỚC

Với lòng mong muốn giải quyết, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác với nhau, mọi vấn đề liên quan đến luật biển, và ý thức được tầm vóc lịch sử của Công ước là một cống hiến quan trọng vào việc giữ gìn hòa bình, công lý và tiến bộ cho tất cả các dân tộc trên thế giới;

Nhận thấy rằng, những sự kiện mới nảy sinh kể từ các Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển được nhóm họp tại Giơnevơ năm 1958 và năm 1960, đã làm tăng thêm sự cần thiết phải có một Công ước mới về luật biển có thể được mọi người chấp nhận;

Ý thức rằng, những vấn đề về các vùng biển có liên quan chặt chẽ với nhau và cần được xem xét một cách đồng bộ;

Thừa nhận rằng, điều đáng mong muốn là, bằng Công ước với sự quan tâm đúng mức đến chủ quyền của tất cả các quốc gia, thiết lập được một trật tự pháp lý cho các biển và đại dương làm dễ dàng cho việc sử dụng công bằng và hiệu quả những tài nguyên, việc bảo tồn những nguồn lợi sinh vật của các biển và các đại dương, việc nghiên cứu, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

Cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu này sẽ góp phần thiết lập nên một trật tự kinh tế quốc tế đúng đắn và công bằng, trong đó có tính đến các lợi ích và nhu cầu của toàn thể loài người và đặc biệt là các lợi ích và nhu cầu riêng của các nước đang phát triển, dù có biển hay không có biển;

Mong muốn phát triển bằng Công ước, các nguyên tắc trong Nghị quyết 2749 (XXV) ngày 17 tháng 12 năm 1970, trong đó Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đặc biệt trịnh trọng tuyên bố rằng khu vực đáy biển và đại dương, cũng như lòng đất dưới đáy các khu vực nằm ngoài giới hạn chung của loài người và việc thăm dò, khai thác khu vực này sẽ được tiến hành vì lợi ích của toàn thể loài người, không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các quốc gia;

Tin tưởng rằng, việc pháp điển hóa và sự phát triển theo chiều hướng tiến hóa của Luật biển được thực hiện trong Công ước sẽ góp phần tăng cường hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa tất cả các dân tộc phù hợp với các nguyên tắc công bằng và bình đẳng về quyền, và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến bộ về kinh tế và xã hội của tất cả các dân tộc trên thế giới, phù hợp với các mục tiêu và các nguyên tắc của Liên hợp quốc như đã được nêu trong Hiến chương;

Khẳng định rằng, các vấn đề không quy định trong Công ước sẽ tiếp tục được xử lý bằng các quy tắc và nguyên tắc của pháp luật quốc tế chung;

Đã thỏa thuận như sau:

Phần I

MỞ ĐẦU

ĐIỀU 1. Sử dụng các thuật ngữ và phạm vi áp dụng

1. Những thuật ngữ được sử dụng trong Công ước cần được hiểu như sau:

1. “Vùng” (Zone): là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia;

2. “Cơ quan quyền lực” (Autorité): là cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển;

3. “Các hoạt động được tiến hành trong Vùng” (activités menées dans la Zone): là mọi hoạt động thăm dò và khai thác các tài nguyên của Vùng;

4. “Ô nhiễm môi trường biển” (Pullution du milieu marin): là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mỹ cảm của biển;

5. a) “Sự nhận chìm” (immersion) là:

i. mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.

ii. mọi sự đánh chìm tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí ở biển.

b) Thuật ngữ “nhận chìm” không nhằm vào:

i. việc vứt bỏ các chất thải hoặc các chất khác được sản sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác bình thường của tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí trên biển, cũng như các thiết bị của chúng, ngoại trừ các chất thải hoặc các chất khác được chuyên chở hoặc chuyển tài trên các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác bố trí ở biển được dùng để thải bỏ các chất đó, trên các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hay các công trình đó tạo ra;

ii. việc tàng chứa các chất với mục đích không phải chỉ là để thải bỏ chúng với điều kiện là việc tàng chứa này không đi ngược lại những mục đich của Công ước.

2.1 “Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó.

2. Công ước được áp dụng mulatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho những thực thể nói trong Điều 305 khoản 1, điểm b, c, d, e và f đã trở thành thành viên của Công ước, theo đúng với các điều kiện liên quan đến từng thực thể; trong giới hạn đó, thuật ngữ “quốc gia thành viên” cũng dùng để chỉ những thực thể này.

Phần II

[...]
65
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ