Kế hoạch 608/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 608/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2023
Ngày có hiệu lực 18/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Văn Đệ
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 608/KH-UBND

Nghệ An, ngày 18 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 12-NQ/TU NGÀY 20/4/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 12-NQ/TU), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 12-NQ/TU bằng nhiều phương thức để các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp hiếu được vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;

- Đề ra nhiệm vụ cụ thể, xác định lộ trình thực hiện, và lựa chọn những nhiệm vụ ưu tiên đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 về phát triển bền vững kinh tế biển;

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã; trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian thực hiện đối với từng nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt các quan điểm, chủ trương, mục tiêu và giải pháp chủ yếu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 36-NQ/TW); Nghị quyết số 26- NQ/CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/CP) và nội dung cụ thể tại Nghị quyết số 12-NQ/TU; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế của từng sở, ngành, đơn vị và từng địa phương.

- Tạo sự thống nhất tư tưởng, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng đơn vị để huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế biển.

- Đổi mới, sáng tạo trong một số ngành kinh tế biên, tạo hình ảnh thân thiện môi trường, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu biển; huy động tối đa nguồn lực tạo sự đột phá về phát triển bền vững kinh tế biển; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Bảo vệ tốt môi trường biển, bảo tồn các giá trị văn hóa, tổ chức các hoạt động du lịch biển gắn với bảo đảm về quốc phòng, an ninh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Định hướng, nhiệm vụ đến năm 2025

1.1. Về công tác quản lý tổng hợp biển, hải đảo

- Tiếp tục hoàn thiện cơ quan điều phối liên ngành để thống nhất chỉ đạo và thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh; hoàn thiện và tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho Sở Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực về phát triển kinh tế biển của tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương để xác định phạm vi ranh giới quản lý biển giữa các địa phương có biển giáp ranh (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh) tránh chồng lần, tranh chấp, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về biển đảo có hiệu lực, hiệu quả.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến biển đảo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 36-NQ/TW; Tổ chức thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 sau khi được Chính phủ phê duyệt.

- Tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, thực hiện công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

- Đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; tri thức về biển và hải đảo tới nhân dân.

1.2. Phát triển kinh tế biển

- Phát triển kết cấu hạ tầng và Công nghiệp ven biển:

+ Phát triển kết cấu hạ tầng vùng ven biển: Tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu bến Bắc Cửa Lò (nhất là cảng nước sâu Cửa Lò với với 03 bến cho tàu có 100.000 DWT thành cảng Quốc tế), khu bến đông hồi; Thu hút đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào khu bến Nam Cửa Lò đảm bảo cho các tàu có trọng tải lớn cập bến...Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông kết nối đến cảng biển như đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); Đường nối Vinh - Cửa Lò, giai đoạn 2; đường đến các cảng biển, đường du lịch ven biển... Phối hợp đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường cao tốc đường bộ Bắc - Nam, phía Đông...; Nâng cấp mở rộng các khu neo đậu, tránh, trú bão tại khu vực bến cảng đảm bảo điều kiện, nhu cầu cho các tàu của ngư dân và các tàu có công suất lớn qua đó giải quyết tình trạng quá tải trong mùa mưa lũ; Xây dựng và đưa vào hoạt động 01 chợ đầu mối thủy sản tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu. Phát triển các Khu công nghiệp, Khu kinh tế vùng ven biển với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Mở rộng khu kinh tế Đông Nam theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; lấy Khu Kinh tế Đông Nam làm trung tâm để tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp tập trung để hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

+ Đẩy mạnh cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao: Điện tử, công nghệ thông tin; cơ khí lắp ráp; vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới; chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm; năng lượng; hàng tiêu dùng; công nghiệp hỗ trợ... Đến năm 2025, công nghiệp Nghệ An nói chung và các huyện ven biển nói riêng phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và không gian; một số chuyên ngành, lĩnh vực có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP và đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách.

+ Tiếp tục phát triển những ngành có lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh thu hút đầu tư các công trình, dự án, đặc biệt là các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cao, bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh trong cả nước, tập trung phối hợp, trao đổi thông tin; xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch; hợp tác về đầu tư, liên kết sản xuất, vùng nguyên liệu tiêu thụ sản phẩm; Đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp chế biến đối với các sản phẩm chủ lực, gắn với các vùng nguyên liệu tập trung để tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu như: may mặc, phụ tùng ôtô, linh kiện điện tử, sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản..., gắn phát triển sản xuất với mở rộng thị trường tiêu thụ; Tập trung thu hút đầu tư các dự án lâm nghiệp công nghệ cao, các dự án sản xuất sản phẩm từ gỗ và lâm sản, các sản phẩm đáp ứng nhu cầu nội địa cao cấp và xuất khẩu (các dự án tập trung tại địa bàn huyện Nghi Lộc). Phấn đấu đưa Nghệ An trở thành nơi cung cấp sản phẩm công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản lớn trong cả nước; Đa dạng hoá sản phẩm chế biến thủy hải sản, nâng cao chất lượng sản phẩm cho thị trường xuất khẩu, chú trọng thị trường nội địa với các loại thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến cho các đô thị, các khu công nghiệp; Đối với công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống như sữa, bia, rượu, thuốc lá, tập trung hỗ trợ sau đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; gắn phát triển sản xuất với vùng nguyên liệu; Đối với thức ăn chăn nuôi, phấn đấu thu hút thêm các dự án đầu tư mới bên canh duy trì công suất hoạt động của các nhà máy hiện có; Ngành dệt may, da dày ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, bố trí các doanh nghiệp may mặc ở các KCN, cụm công nghiệp các huyện để thu hút lao động tại chỗ nhằm hình thành các cụm công nghiệp sợi, may của tỉnh ở các khu vực: Diễn Châu, Quỳnh Lưu; Thu hút đầu tư vào lĩnh vực phụ trợ của ngành dệt may như lĩnh vực dệt, da giày vào các khu công nghiệp (Khu CN Hoàng Mai, Nam Cấm) trên địa bàn tỉnh; Phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo đảm bảo nhu cầu thị trường về cung cấp máy nông nghiệp, tôn mạ màu, ống thép xây dựng, tàu thuyền cỡ vừa và nhỏ, thiết bị máy móc ngành xây dựng, kết cấu thép, sản xuất và lắp ráp xe ô tô và phụ tùng xe ô tô các loại,... Tập trung để thu hút 1-2 tập đoàn FDI lĩnh vực sản xuất cơ khí, lắp ráp ô tô vào khu vực Hoàng Mai, Đông Hồi; Ưu tiên và khuyến khích phát triển công nghiệp điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin, các thiết bị công nghệ số, phấn đấu thu hút từ 1-2 tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy lắp ráp sản phẩm cuối cùng trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ. Khai thác hợp lý tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

+ Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, xây dựng làng nghề ở các huyện, xã theo quy hoạch đã được phê duyệt. Các lĩnh vực nghề tiểu thủ công nghiệp cần tập trung chỉ đạo gồm: Chế biến nước mắm, cá, bột cá, chế biến thực phẩm (tương, bún, bánh), mộc dân dụng mỹ nghệ, đá mỹ nghệ; đẩy mạnh phát triển nghề sửa chữa cơ khí; Ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng KKT Đông Nam, KCN và các cụm công nghiệp đã quy hoạch ở các địa phương để tạo mặt bằng thuận lợi trong thu hút đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung một số địa điểm phù hợp để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp; Phối hợp, tạo điều kiện với các nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp thu hút các dự án đầu tư vào các Khu Công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có tính chất trọng điểm, có tính lan tỏa và là đầu tàu thúc đẩy công nghiệp tỉnh Nghệ An phát triển; Thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, đa dạng hóa các loại hình thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Chú trọng phát triển thương mại điện tử gắn với các loại hình thương mại truyền thống; liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng phát triển thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

- Kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới:

[...]