Kế hoạch 273/KH-UBND năm 2021 triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2022 trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 273/KH-UBND
Ngày ban hành 13/12/2021
Ngày có hiệu lực 13/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 273/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 13 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, HẬU KIỂM AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Thanh tra, Luật An toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản liên quan. Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp tại Việt Nam, trên thế giới cũng như trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố đã tiếp tục chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố phù hợp với diễn biến dịch bệnh, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Sở Y tế đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất; qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, đồng thời cảnh báo các mối nguy về an toàn thực phẩm, góp phần tích cực trong việc cải thiện tình hình về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2021 của thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai toàn diện, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm. Qua đó đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; đồng thời đánh giá thực trạng việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố; kịp thời ngăn chặn, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm; ngăn chặn không cho thực phẩm không bảo đảm an toàn tới tay người sử dụng, góp phần ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.

b) Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở thực phẩm, đánh giá công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo phân cấp, việc cấp các loại giấy phép về an toàn thực phẩm và phát hiện những vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm giữa các ngành, các cấp và giữa các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm với các cơ sở thực phẩm; đồng thời lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

2. Yêu cầu

a) Thanh tra, kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở thực phẩm và qua đó tiến hành đánh giá công tác quản lý về an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành.

b) Triển khai thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên tục 12/12 tháng trên địa bàn toàn thành phố, bao gồm tất cả các tuyến từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

c) Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan, các cấp từ thành phố tới các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong việc triển khai thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót đối tượng thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý về an toàn thực phẩm.

d) Việc thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong năm 2022 cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thực hiện tạm dừng, giãn, hoãn thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối tượng và phương pháp

a) Đối tượng

- Đối với cơ sở thực phẩm: Trong năm 2022 thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở thực phẩm đã có nhiều vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm.

- Đối với sản phẩm thực phẩm: Hậu kiểm tất cả các nhóm hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc diện tự công bố; đồng thời tập trung ưu tiên thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các nhóm thực phẩm có nhiều sai phạm được phát hiện hoặc cảnh báo năm 2021 hoặc các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, như: rau; thủy hải sản; thịt, sản phẩm từ thịt; gia cầm và sản phẩm gia cầm; thực phẩm chức năng; phụ gia thực phẩm; sữa, rượu, nước giải khát, bánh kẹo; các sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố; các loại thực phẩm khác không đảm bảo an toàn.

- Đối với cơ quan quản lý: Tùy theo tình hình thực tế yêu cầu công tác quản lý, các sở quản lý chuyên ngành, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn quy định cụ thể việc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm theo nội dung tại phần II của nội dung Kế hoạch này.

b) Phương pháp

Quy trình chung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm như sau:

- Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn thành phố

- Các sở, ngành, đơn vị căn cứ Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở, ngành, đơn vị; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; tiến hành thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trực tiếp tại cơ sở.

- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm kết hợp nghe báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; thu thập tài liệu liên quan; kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vật liệu bao gói, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; lập biên bản thanh tra, kiểm tra; đánh giá, phân tích hồ sơ quản lý, kết quả kiểm nghiệm để hoàn thành báo cáo.

- Tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm

a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm

Tập trung xem xét việc thực hiện các quy định về:

[...]