ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 270/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 32/NQ-CP NGÀY 20/3/2024 CỦA
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị quyết số 32/NQ-CP
ngày 20/3/2024 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số
686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề
thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội
về đổi mới chương trình, sách giáo khoa Giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân
thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP
ngày 20/3/2024 của Chính phủ như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ
các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa
phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng,
đồng bộ về cơ cấu theo quy định; tiếp tục tuyển dụng bảo đảm đủ số biên chế được
giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị; thực hiện đào
tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo lộ trình.
- Tập trung các nguồn lực để đầu
tư cơ sở vật chất cho các trường học đảm bảo đạt chuẩn quốc gia; phát triển trường
lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Bảo đảm đầy đủ
cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình Giáo
dục phổ thông (GDPT) 2018; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động
các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho
giáo dục và đào tạo. Bố trí đầy đủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân
sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các
chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.
- Bố trí ngân sách thực hiện việc
lựa chọn sách giáo khoa (SGK); in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; sách
chữ nổi Braille cho người khiếm thị. Ưu tiên bố trí kinh phí hợp đồng giáo viên
theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ.
- Xây dựng phương án và triển
khai thực hiện việc hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học
sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc
thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách.
- Ban hành định mức kinh tế - kỹ
thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với các
cơ sở giáo dục phổ thông.
2. Yêu cầu
- Bám sát quan điểm, mục tiêu,
nhiệm vụ của Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ về việc Ban hành
Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết
số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT và thực
tế tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải
pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ và hoàn thành các mục
tiêu đã đề ra.
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ,
thường xuyên, thống nhất giữa các Sở ngành, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa
bàn Thành phố và quy định rõ chế độ thông tin báo cáo trong quá trình thực hiện.
II. NHIỆM VỤ
1. Phát triển
đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
- Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán
bộ quản lý (CBQL) và giáo viên Thủ đô đạt chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật
Giáo dục năm 2019, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt,
có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực dạy Chương trình và sách giáo
khoa phổ thông mới, nhằm thực hiện tốt chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
- Xây dựng và thực hiện tốt kế
hoạch tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao chất
lượng đội ngũ CBQL và giáo viên Thủ đô. Căn cứ vào thực trạng trình độ và năng
lực của đội ngũ CBQL và giáo viên Thủ đô và căn cứ vào Đề án vị trí việc làm,
hàng năm xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên trong ngành đảm
bảo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu.
- Tăng cường công tác đào tạo,
bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo các
chương trình, đề án của Trung ương và Thành phố. Đảm bảo việc bồi dưỡng cho đội
ngũ có chất lượng, hiệu quả cao.
2. Tiếp tục
rà soát sắp xếp quy hoạch mạng lưới và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp học
- Tiếp tục thực hiện công tác
quy hoạch mạng lưới trường, lớp đảm bảo đủ số trường, lớp theo quy định; bổ
sung quỹ đất, đầu tư xây mới trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em
nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội đến năm năm
2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các trụ sở cơ
quan, trường Đại học để xây trường học công lập; khuyến khích và tạo điều kiện
phát triển trường ngoài công lập ở các khu vực ngoại thành, vùng khó khăn, các
khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư.
- Rà soát, đầu tư trường học
các cấp nhằm đảm bảo hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, hạ tầng công
nghệ thông tin đáp ứng trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định tại Thông tư số
13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định tiêu chuẩn
cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có
nhiều cấp học; Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và
Đào tạo về ban hành Quy định phòng học bộ môn của cơ sở GDPT; đáp ứng chương
trình giáo dục phổ thông 2018.
- Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực
để đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội,
khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các
trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng
cơ sở vật chất trường học.
3. Đẩy mạnh
xã hội hóa và tăng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa,
huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu
tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao
chất lượng cơ sở vật chất trường học.
- Huy động nguồn xã hội hóa
phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài
công lập.
- Có những chính sách khuyến
khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi
đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành; có những chính sách
tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết
giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do Hội đồng nhân
dân Thành phố quy định. Thành phố được ban hành cơ chế huy động nguồn lực phát
triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước - quốc tế trong các
cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
- Có chính sách quy định hình
thức ưu đãi phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông
minh, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học; có những chính sách
để Sở Giáo dục và Đào tạo được điều chỉnh, bổ sung chương trình đối với một số
môn học, hoạt động giáo dục để phù hợp với điều kiện Thủ đô, tiệm cận nền giáo
dục của khu vực và quốc tế.
- Khuyến khích đa dạng hóa phát
triển trường lớp ngoài công lập và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao
trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục;
giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở, phát huy vai trò của hội
đồng nhà trường; thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội;
đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
4. In, phát
hành tài liệu Giáo dục địa phương, hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó
khăn, sách chữ nổi Braille cho người khiếm thị
4.1. Đề xuất chủ trương triển
khai biên soạn, in ấn và phát hành bản thảo Tài liệu giáo dục địa phương thành
phố Hà Nội
Căn cứ Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Chương trình Giáo dục phổ thông, trong đó nội dung giáo dục của địa phương được
quy định là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh
tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương bổ sung cho nội dung
giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, nhằm trang bị cho học sinh những
hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức
tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của
quê hương. Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định,
chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức
biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn
của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Tài liệu giáo dục địa phương
thành phố Hà Nội đã được biên soạn phù hợp lộ trình triển khai Chương trình
GDPT 2018. Đến năm 2024, Tài liệu các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 đã được Bộ
Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa
bàn thành phố Hà Nội.
* Đề xuất chủ trương biên soạn
sử dụng ngân sách địa phương:
- UBND Thành phố thành lập hội
đồng biên soạn (tác giả), đứng ra để tổ chức biên soạn sẽ chủ động trong việc
biên soạn, định hướng trọng tâm nội dung, tiến độ biên soạn.
- Kinh phí chi trả việc biên soạn
được quy định tại Thông tư 51/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Xuất bản phẩm sau khi hoàn
thành, thuộc quyền sở hữu của Thành phố theo Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tài sản
công. Sau đó Thành phố có thể dùng xuất bản phẩm để tổ chức đấu thầu in ấn phát
hành, để đảm bảo tính cạnh tranh theo Luật đấu thầu, Luật giá mà không bị phụ
thuộc vào quyền các tác giả. Các tác giả có thể nhận được tiền nhuận bút theo
Luật xuất bản.
* Đề xuất xã hội hóa việc in ấn,
phát hành:
- Kinh phí cho việc in ấn phát hành
hàng năm rất lớn, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước nên không đề xuất
sử dụng ngân sách nhà nước;
- Sau khi tổ chức đấu thầu in ấn
phát hành, nhà xuất bản (đơn vị trúng thầu) sẽ tổ chức in ấn phát hành và bán
tài liệu theo cơ chế thị trường, đảm bảo đúng nội dung được phê duyệt; giá bìa
tài liệu; chất lượng giấy… theo hồ sơ mời thầu, dự thầu.
4.2. Hỗ trợ SGK cho học sinh
có hoàn cảnh khó khăn
- Hàng năm đề nghị các cơ sở
giáo dục, các phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát và báo cáo số lượng học sinh có
hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng sâu,
vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính
sách để trao tặng SGK và học bổng hỗ trợ.
- Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục
phối hợp với các nhà xuất bản, các tổ chức đoàn thể tổ chức chương trình tặng
SGK, học bổng hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
- Yêu cầu các nhà trường bổ
sung SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa
để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện
để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng
SGK hiệu quả.
4.3. Biên soạn sách chữ nổi
Braille cho người khiếm thị
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục
hướng dẫn trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu phối hợp với Viện Khoa học
Giáo dục Việt Nam chuyển đổi các bộ sách giáo khoa các khối lớp theo Chương
trình GDPT 2018 bộ Cánh diều sang chữ nổi Braille. Sách chữ nổi sau khi chuyển
đổi sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thẩm định
trước khi đưa vào sử dụng.
5. Về ban
hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân
sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông
Ngày 15/5/2024, Hội đồng nhân
dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 của Hội đồng
nhân dân Thành phố về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số
02/2023/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân thành phố
Hà Nội quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các
cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành
phố Hà Nội, theo đó: Chấp thuận việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số
02/2023/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội
quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở
giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố
Hà Nội đến hết năm học 2025-2026.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban
hành Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày
30/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định
mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp
dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật,
giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội trên cơ sở văn bản quy định, hướng
dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để chỉ đạo, tổ
chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.
Tổ chức đánh giá tình hình thực
hiện Kế hoạch để bổ sung, điều chỉnh cũng như đề ra giải pháp đồng bộ, đảm bảo
thực hiện tốt Kế hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương.
Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố
ban hành Kế hoạch và thực hiện việc bố trí, tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức,
viên chức các cơ sở giáo dục; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo
viên đáp ứng yêu cầu công tác dạy học trong giai đoạn hiện nay.
Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan thực hiện việc tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đổi mới chương trình,
sách giáo khoa, tập trung vào một số nội dung, đối tượng, địa bàn trọng điểm để
tạo sự đồng thuận của xã hội và quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong toàn thể đội
ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
2. Sở Nội vụ
Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành
phố xây dựng các văn bản triển khai thực hiện khi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách
tiền lương, phụ cấp, ưu đãi của nhà giáo theo đúng chủ trương và lộ trình cải
cách tiền lương của Đảng và Nhà nước.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng các văn bản triển khai thực hiện
khi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản quy định phân cấp trong
quản lý nhà nước về giáo dục nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa
phương, trong đó có việc phân cấp phê duyệt tài liệu giáo dục của địa phương.
3. Sở Tài chính
Hằng năm, trên cơ sở đề xuất của
Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị liên quan; tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân
dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí kinh phí chi thường
xuyên ngân sách cấp Thành phố giao các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối của
ngân sách Thành phố.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với các Sở, ngành, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí
nguồn vốn đầu tư công để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường đạt
chuẩn quốc gia theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân quận, huyện,
thị xã
Trên cơ sở Kế hoạch của Thành
phố, xây dựng, thống nhất ban hành Kế hoạch triển khai trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo và các ngành chức năng của Thành phố chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ nêu
trong Kế hoạch trên địa bàn; trong đó tập trung cao cho việc sắp xếp trường lớp,
đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về
giáo dục theo phân cấp; huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, trang
thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT 2018.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo và các ngành liên quan trong việc thực hiện bố trí, tuyển dụng, sử dụng cán
bộ công chức, viên chức các cơ sở giáo dục; công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ
quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu công tác dạy học trong giai đoạn hiện nay.
Bố trí ngân sách quận, huyện,
thị xã đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch theo phân cấp nhiệm vụ chi hiện
hành.
Trên cơ sở nhiệm vụ, nội dung Kế
hoạch “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ”,
Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo
xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện gửi
về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban VHGDTNTN&NĐ-Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Các đ/c Phó Bí thư Thành ủy;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Các Đ/c Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, Phó CVP;
- Các phòng: KGVX, KTTH, NC, TH;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thu Hà
|