Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 27/KH-UBND
Ngày ban hành 22/02/2023
Ngày có hiệu lực 22/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 22 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2030

Thực hiện Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng trong phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh và định hướng phát triển của Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 ban hành tại Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu

- Xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên thực hiện đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2022 - 2030.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc, đồng bộ, đồng thời với việc kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, tổng kết đánh giá, kịp thời tham mưu giải pháp, tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm có nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2022 - 2025

- Diện tích và sản lượng đến năm 2025:

+ Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.900 ha (nuôi nước ngọt: 11.600 ha; nuôi mặn, lợ: 3.300 ha). Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp (thâm canh và siêu thâm canh) từ 350 - 400 ha.

+ Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 79.300 tấn. Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.450 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm.

- Phát triển sản xuất giống thủy sản: Xây dựng vùng sản xuất giống nhuyễn thể công nghệ cao, đưa Ninh Bình thành trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể (Ngao, Hàu) công nghệ cao cung ứng cho sản xuất thủy sản trong và ngoài tỉnh. Nâng cao năng lực sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản nước ngọt đáp ứng nhu cầu con giống lớn, chất lượng cao phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất tại các vùng tập trung nuôi chuyên canh của tỉnh.

- Hạ tầng thủy sản: Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng nuôi tập trung năng suất cao, đặc biệt là các đối tượng chủ lực như trắm cỏ, chép (huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan, huyện Yên Mô); tôm nước lợ (huyện Kim Sơn); hạ tầng vùng sản xuất giống hàu và thủy sản, vùng ương san giống nước ngọt tập trung, lưu giữ giống qua đông.

- Chuỗi liên kết: Xây dựng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thủy sản nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản. Đăng ký các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, đặc trưng địa phương (OCOP) tạo việc làm ổn định và cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn.

b) Giai đoạn 2026 - 2030

- Diện tích và sản lượng đến năm 2030:

+ Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 15.358 ha (nuôi nước ngọt: 12.000 ha; nuôi mặn, lợ: 3.358 ha). Trong đó, diện tích nuôi công nghiệp (thâm canh và siêu thâm canh) đạt khoảng 700 - 800 ha.

+ Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 104.000 tấn. Giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 3.200 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm.

- Tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao: Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất giống, mở rộng vùng nuôi công nghiệp (thâm canh, siêu thâm canh) để tăng năng suất.

- Hạ tầng thủy sản: Tiếp tục xây dựng và đồng bộ hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng vùng nuôi thâm canh tập trung năng suất cao, vùng ruộng trũng chuyển đổi của tỉnh.

- Chuỗi liên kết: Xây dựng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thủy sản nâng cao sức cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản đặc trưng địa phương gắn với các ngành dịch vụ thương mại du lịch của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ

[...]