Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2015 triển khai thực hiện phát triển thị trường trong tỉnh gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015-2020

Số hiệu 27/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2015
Ngày có hiệu lực 03/03/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Văn Bình
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 03 tháng 3 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG TỈNH GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

Thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020; UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phát triển thị trường trong tỉnh gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chủ trương tại Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Ban Chấp hành Trung ương về Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 05/4/2012 của Tỉnh ủy về việc “thực hiện Thông báo số 264-TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

b) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh tại Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trên địa bàn về hàng Việt Nam nói chung đặc biệt là hàng địa phương sản xuất, nhằm thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, xây dựng nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm mở rộng thị trường, tăng doanh thu.

2. Yêu cầu

a) Các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, phát động đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả.

b) Các sở, Ban, ngành, UBND huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì hoặc tham gia phối hợp phải đảm bảo thực hiện tốt nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch này.

c) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh đảm bảo bền vững, hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh; quảng bá, xây dựng thương hiệu, tạo lập kênh phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng trên địa bàn.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Chương trình hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ số) và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh có tính đồng bộ với cơ sở dữ liệu với các tỉnh, thành phố trên cả nước

a) Nội dung: Cung cấp thông tin về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đồng bộ với cả nước để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có các dữ liệu cơ bản như: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/kinh doanh, hợp tác xã, chợ, siêu thị, sức mua, thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm thế mạnh của tỉnh…, từ đó giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng nắm bắt tốt hơn về thị trường trong và ngoài tỉnh đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý. (Cơ sở dữ liệu phải được cập nhập thường xuyên, chính xác).

b) Các giải pháp thực hiện:

- Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt Nam, hàng sản xuất trong tỉnh.

- Nghiên cứu, xây dựng bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam, hàng hóa của tỉnh trên địa bàn đồng bộ với hệ thống của cả nước và cập nhật thường xuyên, để cung cấp miễn phí cho các doanh nghiệp, trong đó có các dữ liệu cơ bản như: Địa điểm, số hộ kinh doanh, chợ, siêu thị, sức mua.

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam như: Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho việc xây dựng bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam; tổ chức đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về kỹ năng tin học, bán hàng, xây dựng thương hiệu Việt Nam, kết nối cung cầu, khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu cũng như cung cấp dữ liệu cho hệ thống bản đồ số về hàng Việt Nam; xây dựng quy chế phối hợp trong việc duy trì, khai thác, sử dụng bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam giữa các cơ quan, tổ chức theo quy định.

c) Đơn vị chủ trì: Sở Công Thương

d) Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất/kinh doanh hàng Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

e) Thời gian thực hiện: Hàng năm, từ 2015 - 2020

2. Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh

a) Nội dung: Nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp, thương nhân thiết lập và quảng bá các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định trên địa bàn trung tâm các huyện/thành phố, lồng ghép, gắn kết một cách phù hợp với chương trình bình ổn thị trường.

b) Các giải pháp thực hiện:

- Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, trong đó trọng tâm là quy hoạch phát triển mạng lưới chợ phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại. Trên cơ sở quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu và vùng sâu, vùng xa;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện và thành phố.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt Nam theo hướng bền vững như: Triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh; đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn vào Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư (theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước)….

[...]