Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 - 2020

Số hiệu 46/KH-UBND
Ngày ban hành 02/02/2015
Ngày có hiệu lực 02/02/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM" TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2015- 2020.

Thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015 - 2020; UBND Thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Giúp người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, từ đó xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

- Giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh quốc tế ngày một nâng cao, bảo vệ môi trường, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của Thủ đô.

- Phát triển hệ thống phân phối bền vững, có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư phát triển thương mại, nhất là chính sách hỗ trợ và khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại khu vực nông thôn và miền núi. Xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống nhân dân.

- Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, các chính sách ưu đãi hiện có, đề xuất được những chính sách phù hợp trong việc triển khai thực hiện Đề án nhằm phát triển tốt thị trường nội địa.

- Bám sát các mục đích đã nêu nhằm tăng cường nhận thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo sự đồng thuận trong hành động, thúc đẩy sự tham gia chủ động, tích cực và trách nhiệm để công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động triển khai đạt kết quả trên địa bàn Thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Trong giai đoạn 2015 đến 2020, đặc biệt trong năm 2015, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường, ưu tiên công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành vi của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Đẩy mạnh công tác phát triển hệ thống phân phối hàng hóa Việt Nam cố định và bền vững do các doanh nghiệp trong nước làm hạt nhân, nhất là tại địa bàn nông thôn, cùng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy chương trình đưa hàng Việt Nam tới người tiêu dùng trên địa bàn (đặc biệt quan tâm đến khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất...)

2. Tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Thông báo Kết luận 264/TB-TW ngày 31/7/2009 về việc tổ chức Cuộc vận động và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 về tăng cường thực hiện Cuộc vận động. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng yêu cầu của Cuộc vận động để thực hiện mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng.

- Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, vận động doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng được trên các kênh truyền thông (Đài phát thanh & Truyền hình Hà Nội; các Báo: Công Thương, Hà Nội mới, Kinh tế đô thị...) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá về Cuộc vận động, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Đồng thời, phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các đơn vị trên địa bàn Thủ đô.

- Huy động tối đa nguồn lực Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp để tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản phẩm của các làng nghề Thủ đô.

- Cập nhật, công bố quảng bá thường xuyên và kịp thời danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để phục vụ tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng.

- Công bố thường xuyên, kịp thời danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động về Cuộc vận động bằng các hình thức, nội dung phù hợp tại các địa điểm công cộng, trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn Thành phố.

- Kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị, doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động.

4. Phát triển hệ thống phân phối cố định, bền vững:

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Từng bước nhân rộng mô hình liên kết, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mô hình.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa theo hướng bền vững.

- Triển khai Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến” (website: www.tuhaohangvietnam.vn).

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam như “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”; Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương và đơn vị liên quan (nhất các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế Đồng bằng sông Hồng) để tổ chức nhận diện Tuần lễ “Tự hào hàng Việt Nam” trên cả nước.

[...]