Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2618/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

Số hiệu 2618/KH-UBND
Ngày ban hành 24/03/2022
Ngày có hiệu lực 24/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Đinh Văn Thiệu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2618/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 24 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI CAO TUỔI, TRẺ EM, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CẦN TRỢ GIÚP XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

Thực hiện Quyết định số 1942/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 và Công văn số 4556/LĐTBXH-BTXH ngày 08/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với các nội dung như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng

- Đối tượng, phạm vi thực hiện: Các cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh, cơ sở cai nghiện ma túy do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (sau đây viết tắt là cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội).

- Đối tượng thụ hưởng: Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng cần trợ giúp xã hội khác.

2. Phạm vi: Kế hoạch được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 - 2025.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Đánh giá kết quả thực hiện nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020

- Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng cần trợ giúp xã hội là nhiệm vụ quan trọng và là một bộ phận cần đặc biệt chú trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới. Hiện nay, tình hình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - CTXH tỉnh, cơ sở cai nghiện ma túy cơ bản được đảm bảo, đối tượng được khám và chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời tại các bệnh viện, thường xuyên khám, kiểm tra sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mãn tính, kịp thời theo dõi sức khỏe cho từng đối tượng, khi có diễn biến bệnh nặng thì nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện tuyến trên. Trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp và có nguy cơ kéo dài, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thường xuyên chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh, cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho các đối tượng tại các đơn vị. Thường xuyên tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ, phối hợp với các tổ chức thiện nguyện, đội ngũ y bác sỹ tại các Bệnh viện tham gia khám, tư vấn, phát thuốc cho các đối tượng. Tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia luyện tập thể thao, ăn uống, giữ gìn vệ sinh đúng khoa học nhằm nâng cao sức khỏe. Tủ thuốc thiết yếu tại các trung tâm, cơ sở được trang bị đầy đủ.

- Công tác phối hợp hoạt động giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội và các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên địa bàn được thực hiện hiệu quả, phối hợp nhanh chóng, kịp thời chữa trị, sơ cứu cho đối tượng tại các cơ sở. Hệ thống máy móc, danh mục, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo phục vụ công tác khám ban đầu, phục vụ chức năng, chỉnh hình cho các đối tượng tại chỗ.

- Đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng, nhân viên y tế, phục hồi chỉnh hình, phục hồi chức năng làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu, chưa thực hiện thường xuyên và chuyên sâu.

- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách tỉnh hàng năm, các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội đã được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, từng bước đảm bảo cơ sở vật chất để chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng các đối tượng đang quản lý tại các Trung tâm.

2. Khó khăn, tồn tại

- Đội ngũ nhân sự tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội còn thiếu, đặc biệt là nhân viên y tế chuyên trách chưa có kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao về chỉnh hình, phục hồi chức năng.

- Cơ sở vật chất đảm bảo việc khám, chữa bệnh tại chỗ còn chưa được nâng cấp, cải tạo đáp ứng với nhu cầu đặt ra. Hệ thống máy móc, thiết bị chuyên sâu, phục hồi chỉnh hình, phục hồi chức năng tại cơ sở chưa được trang bị. Nguồn kinh phí đảm bảo cho việc nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị ...còn thiếu, không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho đối tượng.

- Nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chủ yếu dựa vào kinh phí theo chế độ khám bảo hiểm y tế chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nâng cao của đối tượng.

- Phần lớn người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được đưa vào chăm sóc chung tại các cơ sở chăm sóc tổng hợp, số lượng cơ sở chăm sóc người khuyết tật còn hạn chế, chưa được quy hoạch tổng thể, dài hạn, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, chưa hỗ trợ cho người khuyết tật được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

- Đối với những người cao tuổi có nguyện vọng, nhu cầu tự nguyện vào sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc (nộp phí) rất đông nhưng các cơ sở trợ giúp xã hội vẫn chưa có chức năng tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng này.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Củng cố, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở chăm sóc sức khỏe lao động - xã hội nhằm đảm bảo cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời các dịch vụ y tế phù hợp theo hướng toàn diện, liên tục và hiệu quả; lồng ghép các hoạt động tăng cường sức khỏe, phòng ngừa, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng kết hợp với các hoạt động trợ giúp xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tối thiểu 50% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh bảo đảm đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục hồi chức năng cho đối tượng;

- Tối thiểu 10% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công - Công tác xã hội tỉnh thực hiện được ít nhất 60% hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của y tế tuyến xã;

[...]