Kế hoạch 256/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin năm 2020 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 256/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2019
Ngày có hiệu lực 16/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Đặng Quốc Vinh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 16 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NĂM 2020

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ KIẾN ĐẾN HẾT NĂM 2019

I. ĐỐI VỚI CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN BẰNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Thời gian qua và trong năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh chưa có các nội dung, nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu công nghệ thông tin (CNTT) được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư.

II. ĐỐI VỚI CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ THỰC HIỆN BẰNG NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP

Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về CNTT, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng Hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) Thông tin kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh năm 2019 bằng nguồn sự nghiệp của Trung ương. Tổng kinh phí thực hiện là 2,4 tỷ đồng.

1. Tình hình thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể

Nội dung của nhiệm vụ là xây dựng hệ thống phần mềm quản lý báo cáo trực tuyến và cơ sở dữ liệu về chỉ tiêu kinh tế, xã hội theo mô hình tập trung, nhằm thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu theo các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đầu vào từ cấp sở, ngành. Với mục tiêu cung cấp và cập nhật nhằm hình thành CSDL số về kinh tế xã hội cấp tỉnh, phục vụ nhu cầu báo cáo, khai thác trực tuyến trong công tác quản lý nhà nước và điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cung cấp công cụ quản lý và báo cáo trực tuyến, trực quan, giúp tạo lập báo cáo tổng hợp trực tuyến thuận tiện. Từng bước số hóa hệ thống thông tin kinh tế xã hội của tỉnh, thúc đẩy tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử và hướng đến nền hành chính số trên địa bàn tỉnh.

2. Tiến độ giải ngân, tình hình và kết quả sử dụng kinh phí

Đến nay, dự án đang thực hiện giai đoạn phê duyệt Đề cương và Dự toán chi tiết. Vì vậy, chưa giải ngân và sử dụng nguồn kinh phí được cấp. (Chi tiết tại Phụ lục 1).

B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NĂM 2020

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT

Thực hiện Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng; hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

UBND tỉnh đã ban hành Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, đồng thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ từng bước mang lại những kết quả khả quan. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị đã sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác. Tỷ lệ văn bản đi/đến được xử lý trên môi trường mạng đạt trên 98%. 100% thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trực tuyến mức độ 2, 1971 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,29 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia và của tỉnh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, từng bước kết nối, chia sẻ với các hệ thống khác. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CNTT và việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến được các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được cơ quan nhà nước các cấp quan tâm thực hiện cùng với tổ chức khai thác các hệ thống thông tin.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và thực tế phát triển xã hội tại địa phương. Một số nội dung quan trọng đến nay vẫn chưa được tổ chức, thực hiện như: Xây dựng nền tảng chia sẻ tích hợp dùng chung cấp tỉnh; Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được xây dựng đã lâu, hiện nay xuống cấp, mặc dù thường xuyên được nâng cấp bổ sung song chưa đáp ứng được yêu cầu; việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp còn thấp; việc triển khai Chính quyền điện tử tại một số cơ quan còn mang tính hình thức.

Do đó, để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Chính phủ đảm bảo hoàn thành các mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp cần thực hiện trong năm 2020.

II. CĂN CỨ ĐỀ XUẤT CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CẦN THIẾT

- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;

- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

- Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin giai đoạn 2016 - 2020;

- Văn bản số 2092/BTTTT-KHTC ngày 28/6/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT năm 2020;

- Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 02/02/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 1.0;

- Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Quan điểm

Thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong tổ chức xây dựng Chính quyền điện tử các cấp tại địa phương. Gắn chặt công tác cải cách hành chính với hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Đảm bảo hoạt động xây dựng Chính quyền điện tử phải mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xác định người dân là trung tâm và mức độ hài lòng của người dân là thước đo, đánh giá mức độ hoàn thành các nhiệm vụ.

[...]