Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 84/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2019
Ngày có hiệu lực 29/03/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Dương Tất Thắng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/KH-UBND

Tĩnh, ngày 29 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 17/NQ-CP NGÀY 07/3/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Kế thừa các kết quả tích cực đã đạt được, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020; định hướng đến 2025; làm căn cứ cho các ngành, chính quyền các cấp lập kế hoạch triển khai nhiệm vụ hằng năm.

Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, tạo bước đột phá trong phương thức phục vụ, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo trong xây dựng Chính quyền điện tử.

Hướng đến xây dựng một nền hành chính điện tử, hiện đại, đồng bộ và liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã; hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

2. Yêu cầu

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp phải xác định việc xây dựng Chính quyền điện tử là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên; là yếu tố đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cần được chú trọng, ưu tiên nguồn lực thực hiện nhiệm vụ về công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng ngành, địa phương điện tử, đồng thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả tại cơ quan, đơn vị mình hàng năm.

Triển khai ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực và có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, số hóa, cung cấp dịch vụ công mức độ cao trong các lĩnh vực; ưu tiên các thủ tục hành chính liên quan nhiều tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường...

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng Chính quyền điện tử thành công ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh, với nền hành chính không giấy; bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

- Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hà Tĩnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước về kết quả xây Chính quyền điện tử.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Hoàn thiện môi trường chính sách về tổ chức ứng dụng CNTT tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT.

- Triển khai và vận hành có hiệu quả Trục liên thông văn bản điện tử trong toàn tỉnh và liên thông với Văn phòng Chính phủ, bảo đảm đồng bộ các hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong toàn tỉnh, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia; trên 95% văn bản trao đổi dưới dạng văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật); trên 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và trên 50% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

- 100% cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ, tổ chức cập nhật minh bạch thông tin đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin và Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh.

- Bảo đảm 100% TTHC được cập nhật công khai trên Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trên 30% TTHC được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; phấn đấu trên 20% dân số và trên 30% doanh nghiệp tiếp cận và khai thác dịch vụ công trực tuyến trong toàn tỉnh.

- Bảo đảm 100% hồ sơ TTHC tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và tổ chức thực hiện trên hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh; trên 20% hồ sơ TTHC tiếp nhận và thụ lý qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

- 100% báo cáo định kỳ được gửi nhận bằng văn bản điện tử; 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện báo cáo định kỳ về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trực tuyến qua hệ thống quản lý kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Cập nhật, hoàn thiện Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 2.0 theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 quốc gia.

- Xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ; đáp ứng sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Triển khai và sử dụng hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trong toàn tỉnh.

- Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về CNTT, đặc biệt là nâng cao trình độ về an toàn thông tin mạng cho cán bộ chuyên trách CNTT và đội ứng cứu sự cố về an toàn thông tin mạng trong toàn tỉnh.

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và giảng dạy tại các trường từ tiểu học đến đại học, đảm bảo 100% các trường giảng dạy môn tin học có chất lượng, hiệu quả.

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm CNTT phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet kết nối vạn vật (IoT), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API),...

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

[...]