Kế hoạch 209/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 429/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 209/KH-UBND
Ngày ban hành 17/08/2021
Ngày có hiệu lực 17/08/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 209/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 17 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 429/QĐ-TTG NGÀY 24/3/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 và các văn bản có liên quan.

2. Yêu cầu

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát việc thực hiện phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc triển khai thực hiện Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 và các văn bản có liên quan tới các cấp, các ngành và toàn xã hội thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin đại chúng... để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học nói chung và công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp nói riêng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền nhân rộng những mô hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phổ biến kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất về công nghệ sinh học, các kết quả nổi bật của công nghiệp sinh học nông nghiệp; kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, giới thiệu mô hình doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền, khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghiệp sinh học nông nghiệp sản xuất trong nước.

- Tổ chức các hoạt động khuyến nông, lâm, ngư nghiệp và khuyến công để giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cấp, các ngành về các tiến bộ, kỹ thuật của công nghệ sinh học nông nghiệp.

2. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

2.1. Giống cây trồng

Ứng dụng công nghệ di truyền, công nghệ nuôi cấy mô trong chọn, tạo, nhân giống các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao và một số giống cây trồng phục vụ sản xuất hàng hóa; công nghệ mô, hom trong chọn, tạo, nhân giống các giống cây lâm nghiệp; phân lập trong chọn, tạo, nhân giống cây trồng...

2.2. Giống vật nuôi

Ứng dụng ưu thế lai và các công nghệ truyền giống (truyền tinh nhân tạo, tinh phân biệt giới tính) trong chọn, tạo và nhân giống các giống bò thịt, bò sữa, lợn, gà có năng suất, chất lượng, cung cấp cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Sử dụng lợn bố mẹ giống chất lượng cao trong chọn, tạo nhân giống các giống lợn thịt để sản xuất quy mô lớn với quy trình khép kín từ khâu tự cung ứng giống, nuôi và tiêu thụ. Ứng dụng, làm chủ công nghệ phát triển bộ sinh phẩm (KIT) phát hiện nhanh, kiểm định, đánh giá chất lượng con giống.

2.3. Giống thủy sản

- Ứng dụng công nghệ lai tạo và di truyền trong sản xuất cá giống nhằm tạo ra con giống có năng suất, chất lượng cao.

- Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên sông, đầm, các hồ chứa thủy lợi… để xác định được các giống, loài thủy sản có khả năng sinh trưởng, phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

2.4. Hình thành cơ sở dữ liệu ADN/barcode/chỉ thị phân tử đối với nguồn gen di truyền bản địa làm cơ sở cho việc bảo tồn, khai thác, phục tráng và phát triển, bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc sản của tỉnh.

3. Ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và bảo vệ đất phục vụ phát triển nông nghiệp

3.1. Cây trồng

- Ứng dụng kỹ thuật quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên đất và nước; các chế phẩm sinh học thế hệ mới, KIT chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng và giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu, sức khỏe đất trồng trọt, nước tưới.

- Nghiên cứu, dự báo các loại sâu bệnh hại cây trồng và biện pháp kỹ thuật quản lý sâu bệnh tổng hợp; nghiên cứu các loại sâu bệnh mới phát sinh và đề xuất quy trình phòng, chống hiệu quả; phân tích nguy cơ dịch hại và các giải pháp khắc phục.

- Ứng dụng các kết quả nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật, ngưỡng độc hại trong mối quan hệ với điều kiện canh tác và chế độ bảo quản, xử lý sau thu hoạch; thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; các chế phẩm sinh học; khảo nghiệm các loại thuốc bảo vệ thực vật mới để phòng trừ sâu bệnh hại có hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe con người, vật nuôi.

[...]