Kế hoạch 139/KH-UBND năm 2022 thực hiện chương trình hành động 23-Ctr/TU về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 139/KH-UBND
Ngày ban hành 13/10/2022
Ngày có hiệu lực 13/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Trần Anh Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/KH-UBND

Nam Định, ngày 13 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 23-CTR/TU NGÀY 15/9/2022 CỦA TỈNH UỶ NAM ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TW NGÀY 16/6/2022, HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ XIII VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 15/9/2022 của Tỉnh ủy Nam Định về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới,

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 15/9/2022 của Tỉnh uỷ Nam Định về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 23-CTr/TU; Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các sở, ngành và địa phương để thực hiện.

2. Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo phù hợp và gắn kết chặt chẽ với những chủ trương, định hướng, mục tiêu, giải pháp được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và những chủ trương định hướng về phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

- Củng cố, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; ưu tiên xây dựng, phát triển các mô hình theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu để nhân rộng; khuyến khích người dân tham gia góp đất tạo quỹ đất đủ lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa để thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2030

- Toàn tỉnh có khoảng 700 hợp tác xã; 05 liên hiệp hợp tác xã; thành lập mới mỗi năm 15-20 tổ hợp tác; xử lý cơ bản số hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã.

- Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

- Có khoảng 15% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

2.2. Đến năm 2045

- Thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.

- Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

- Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.

- Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản

- Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 450 hợp tác xã, 110 tổ hợp tác và 05 liên hiệp hợp tác xã; trong đó: Có khoảng 30% hợp tác xã nông nghiệp liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; có trên 10% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

- Tập trung hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, thu hút thành viên, thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp, tổ chức cho các hộ nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp - nông dân - xã hội.

- Nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của hợp tác xã; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho các thành viên hợp tác xã để tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể.

[...]