Kế hoạch 151/KH-UBND triển khai các hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2024

Số hiệu 151/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2024
Ngày có hiệu lực 11/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 151/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2024

Thực hiện Chương trình hành động số 54-CTr/TU ngày 29/12/2022 của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;

Căn cứ Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 06/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2024, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất:

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2023

I. Đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023

1. Tổ Hợp tác

Đến nay, toàn tỉnh có 168 Tổ Hợp tác (THT) nông nghiệp[1], doanh thu trung bình của mỗi THT đạt 230 triệu đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 75 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của tổ viên 45 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên là 40 triệu đồng/năm. Số lượng thành viên của THT từ khoảng 7 thành viên/THT; tổng số thành viên khoảng 1176 thành viên.

Mô hình THT phù hợp với nhu cầu của người nông dân, mang tính chất thời vụ hoặc vụ việc, hợp tác với nhau theo hợp đồng hợp tác. THT đã khắc phục được một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, đồng thời phát huy giá trị tinh thần về xã hội, văn hóa.

Tuy nhiên, các THT không có tư cách pháp nhân, không bắt buộc các thành viên phải góp vốn, hoạt động theo thời vụ nên thiếu tính bền vững. Công tác quản lý nhà nước về THT gặp khó khăn, chưa thống kê được. Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với THT chưa kịp thời, sâu sát; trình độ khoa học công nghệ, vốn và thị trường còn hạn chế nên phần lớn THT gặp khó khăn trong các giao dịch kinh tế, thương mại, vay vốn ngân hàng.

2. Về Hợp tác xã

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 230 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (tăng 27 HTX so với năm 2022; từ đầu năm 2023 đến nay thành lập mới 37 HTX và 01 chi nhánh HTX, giải thể 14 HTX, cập nhật thêm 03 HTX đã ngừng hoạt động); các HTX nông nghiệp hoạt động đa dạng lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ sau thu hoạch...; Phân theo loại hình hoạt động gồm có: 127 HTX trồng trọt; 08 HTX chăn nuôi, 95 HTX tổng hợp. Hiện có 165 HTX đang hoạt động và 65 HTX xin tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Tổng số thành viên HTX khoảng 4.800 thành viên chính thức; Tổng số lao động thường xuyên trong các HTX ước khoảng 4.600 người...

Về trình độ cán bộ quản lý HTX: Có khoảng 600 cán bộ quản lý HTX, về trình độ đào tạo cơ bản vẫn chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm khoảng 10%, cán bộ có trình độ trung cấp chiếm khoảng 15% còn lại là sơ cấp, tập huấn ngắn hạn và chưa qua đào tạo.

Về xếp loại hoạt động theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2022): có 73/203 HTX thực hiện tự đánh giá (trong đó có 32 HTX xếp loại tốt chiếm 15,8%, 20 HTX xếp loại khá, chiếm 9,8%; 11 HTX xếp loại trung bình, chiếm 5,4%; 10 HTX xếp loại yếu kém chiếm 5%); có 29 HTX thành lập mới chưa đánh giá chiếm 14,3%; 48 HTX không thực hiện đánh giá xếp loại chiếm 23,6%.

3. Liên hiệp Hợp tác xã: Tổng số Liên hiệp HTX nông nghiệp đến 31/12/2023 là: 03 Liên hiệp HTX, tổng số thành viên là 20 HTX nông nghiệp. Các Liên hiệp HTX nông nghiệp ra đời nhằm tổ chức dịch vụ đầu vào, đầu ra tập trung cho các HTX thành viên, phù hợp với xu thế liên kết sản xuất kinh doanh và tạo ra sức mạnh tổng hợp, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, hướng tới tinh chế sản phẩm và xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi ích lớn hơn cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, các Liên hiệp HTX nông nghiệp hiện đang hoạt động cầm chừng, chưa có số liệu báo cáo cụ thể.

II. Đánh giá chung

1. Kết quả: Kinh tế tập thể (KTTT), HTX lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh thời gian qua phát triển đúng định hướng, có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Bước đầu đã hình thành các HTX nông nghiệp gắn với vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Tồn tại, hạn chế: Loại hình HTX, THT nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, số lượng hoạt động trung bình và yếu kém chiếm tỷ lệ cao; nhiều HTX nông nghiệp chỉ tổ chức được 1 đến 2 khâu dịch vụ, hoạt động kém hiệu quả; quy mô HTX nông nghiệp nhỏ; Vốn của các HTX nông nghiệp ít, khả năng cạnh tranh thấp, chậm đổi mới, năng lực nội tại còn yếu; Nhiều HTX nông nghiệp chưa xây dựng được kế hoạch, chiến lược phát triển trung và dài hạn; công tác kế hoạch không được coi trọng đúng mức, nhiều nơi làm còn mang nặng tính hình thức; Hoạt động của các HTX nông nghiệp còn thiếu gắn bó, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức; Một số HTX nông nghiệp chưa có trụ sở làm việc, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu công tác, cán bộ chủ chốt không ổn định, thay đổi thường xuyên ảnh hưởng tới hoạt động của HTX nông nghiệp; Chính sách và chế độ đãi ngộ còn hạn chế nên khó thu hút được cán bộ trẻ có năng lực làm việc tại HTX nông nghiệp; THT phát triển còn mang tính tự phát, tổ chức thiếu chặt chẽ, thiếu ổn định, quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo, chưa bảo đảm tính bền vững.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP NĂM 2024

I. Yêu cầu

- Kế hoạch triển khai các hoạt động phát triển KTTT năm 2024 gắn liền với Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

- Phát triển KTTT, HTX nông nghiệp được xuất phát từ nhu cầu chung, thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; theo đúng các giá trị và nguyên tắc cơ bản của HTX nông nghiệp, đồng thời có tác động trực tiếp đối với thành viên HTX, THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ