Kế hoạch 251/KH-UBND năm 2022 hưởng ứng Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" đến năm 2025 do thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 251/KH-UBND
Ngày ban hành 27/09/2022
Ngày có hiệu lực 27/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 251/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO THI ĐUA “VÌ NGƯỜI NGHÈO - KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU” ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch hưởng ứng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến năm 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội nhằm tạo sự thống nhất của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, người lao động và các tầng lớp Nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Thành phố và của Trung ương.

b) Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu đến cuối năm 2025, Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công, không có hộ tái nghèo, hạn chế thấp nhất số hộ nghèo phát sinh mới, giảm nhanh số hộ nghèo tại các xã vùng nông thôn, miền núi.

2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện Phong trào thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong các Phong trào thi đua đến năm 2025 của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội.

b) Phong trào thi đua được triển khai sâu rộng từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ sở; phát huy được sáng kiến của mọi tầng lớp Nhân dân.

c) Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua.

II. NỘI DUNG PHONG TRÀO THI ĐUA

Tùy theo từng nhóm đối tượng để đề ra nội dung thi đua phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ giảm nghèo, cụ thể như sau:

- Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua; phát huy sáng kiến trong xây dựng, tham mưu ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách, đề xuất các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thi đua đồng thuận hợp tác, trách nhiệm vì người nghèo và góp phần giảm nghèo; cán bộ làm công tác giảm nghèo thi đua tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, thi đua đồng hành cùng người nghèo, hướng tới một xã hội không để ai bị bỏ lại phía sau nhằm huy động các tập thể, gia đình, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp có những việc làm thiết thực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, của cải vật chất hỗ trợ, giúp đỡ địa phương, cơ sở, cộng đồng và các hộ gia đình giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

- Các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thi đua đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương mình, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, hộ giàu. Gắn Phong trào thi đua với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa phương còn khó khăn.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào thi đua, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; giám sát, bình xét thi đua thực hiện Phong trào.

- Thôn, xóm, tổ dân phố cộng đồng thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

- Các hộ gia đình thi đua tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế vươn lên thoát nghèo và giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình khác cùng nhau thoát nghèo.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ Quyết định số 1362/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ, đối tượng cụ thể để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, có các hình thức tuyên truyền phù hợp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quyết tâm triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua.

2. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng cường thời lượng nhằm phát hiện, biểu dương và nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào thi đua.

3. Năm 2023, các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, tổ chức chính trị - xã hội chủ động tiến hành sơ kết giữa kỳ, đánh giá, rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai và tiến hành tổng kết Phong trào thi đua vào năm 2025.

IV. TIÊU CHÍ THI ĐUA

1. Đối với các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội

- Hoàn thành có chất lượng, đúng thời hạn các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố chủ động, tích cực nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi các chính sách giảm nghèo với lộ trình phù hợp tình hình và yêu cầu thực tế, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng; khuyến khích và phát huy vai trò của cộng đồng, đặt người nghèo làm chủ thể, làm trọng tâm trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, tập trung ưu tiên cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng khó khăn, mở rộng đối tượng hỗ trợ hợp lý, giảm chính sách cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả.

- Tham mưu phân bổ, sử dụng kinh phí đúng chế độ và quyết toán đúng thời gian quy định. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên, tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong triển khai, tổ chức Phong trào thi đua.

2. Đối với cấp huyện

[...]