Kế hoạch 2451/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 2451/KH-UBND
Ngày ban hành 06/04/2016
Ngày có hiệu lực 06/04/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Huỳnh Đức Thơ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2451/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 06 tháng 04 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Thực hiện Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 15/KH-BCĐ, ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về việc thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chương trình 130/CP trên toàn địa bàn thành phố, tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động đối với công tác phòng, chống mua bán người nhằm giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời, an toàn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân.

2. Công tác phòng, chống mua bán người phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy Đảng; sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ mua bán người.

3. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ nội dung Chương trình xác định rõ trách nhiệm, tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách quyết liệt, thiết thực và có hiệu quả Chương trình 130/CP.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công tác chỉ đạo triển khai

1.1. Nội dung hoạt động chính

a) Hàng năm, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quc thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là BCĐ) tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 130/CP. Định kỳ BCĐ tổ chức họp để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công và xác định chương trình, kế hoạch cho thời gian công tác tiếp theo.

Trong quý II năm 2016, Tổng kết thực hiện Chương trình 130/CP giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.

b) Nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án đã được Thủ tướng phê duyệt theo đúng mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, cơ quan thực hiện và kinh phí nêu tại Chương trình, chậm nhất là cuối quý II năm 2016 phải tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo theo quy định.

c) Hằng năm, thành lập các đoàn liên ngành tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 130/CP tại một số đơn vị, địa phương.

1.2. Phân công trách nhiệm thực hiện

- Công an thành phố là cơ quan thường trực tham mưu giúp BCĐ chủ trì thực hiện các hoạt động trên.

- Riêng nội dung tại mục b, Công an thành phố chủ trì các Đề án 2, 4; Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì Đề án 1; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì Đề án 3.

- Các Sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện phối hợp thực hiện.

2. Công tác truyền thông phòng, chống mua bán người

2.1. Nội dung hoạt động chính

a) Xây dựng, duy trì và thực hiện chuyên trang, chuyên mục trên báo chí; xây dựng các tiểu phẩm, ký sự, phóng sự, bài viết, tăng thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là cách thức giải quyết, ứng phó giúp cho người dân nâng cao cảnh giác và tự bảo vệ mình.

b) Tổ chức thực hiện Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng trên phạm vi toàn thành phố, cụ thể:

- Hướng dẫn cấp cơ sở tổ chức thực hiện Bộ tài liệu truyền thông chung về phòng, chống mua bán người; tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương.

- Tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao, nạn nhân, gia đình, cộng đồng về phòng chống mua bán người.

c) Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng; giám sát, phản biện xã hội pháp luật về phòng, chống mua bán người.

d) Xây dựng hướng dẫn công tác phòng, chống mua bán người, tập trung vào việc cung cấp thông tin, giám sát phát hiện và thông báo các trường hợp có nghi vấn mua bán người, khuyến khích đưa vào áp dụng tại các đơn vị làm dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài hoặc đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.

đ) Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và người dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phòng, chống mua bán người.

2.2. Phân công trách nhiệm thực hiện

[...]