Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2449/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 2449/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2018
Ngày có hiệu lực 11/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hoàng Công Thủy
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Thuế - Phí - Lệ Phí,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2449/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI CÁC DỊCH VỤ CÔNG: THUẾ, ĐIỆN, NƯỚC, HỌC PHÍ, VIỆN PHÍ VÀ CHI TRẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH AN SINH XÃ HỘI

Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội và Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thanh toán không dùng tiền mặt đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ đạt được các mục tiêu chủ yếu sau:

a) Đối với dịch vụ thu ngân sách: 80% giao dịch nộp thuế tại các huyện, thành, thị trong tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các huyện, thành, thị trong tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước;

b) Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện: 100% các chi nhánh điện lực huyện, thành, thị trong tỉnh chấp nhận hóa đơn thanh toán qua ngân hàng, 80% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng;

c) Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước: 100% công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; phấn đấu 100% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại thành phố Việt Trì; 50% số đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tại các huyện, thị xã trong tỉnh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng;

d) Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 100% trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% sinh viên đóng học phí qua ngân hàng;

đ) Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí: 100% các Bệnh viện tại thành phố Việt Trì và 50% Trung tâm y tế các huyện chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng;

e) Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội: Phấn đấu đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh qua hệ thống ngân hàng.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Triển khai đồng bộ các chính sách về thanh toán qua ngân hàng cung ứng dịch vụ đảm bảo đồng bộ

a) Cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại;

b) Đẩy mạnh về mng lưới hệ thống trong công tác ngân hàng, tự động các giao dịch bán lẻ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện kết nối, giao dịch thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng;

c) Triển khai đồng bộ các quy định về cơ chế thu, trả phí đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm khuyến kích sử dụng dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội;

d) Nâng cao hiệu quả và mở rộng hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, nhất là tại các trung tâm huyện, thị vùng nông thôn. Áp dụng các phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và Nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa sử dụng và thực hiện giao dịch.

2. Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội

a) Tiếp tục mở rộng thêm hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội;

b) Áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, học phí,...) viện phí, chi trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng;

c) Nghiên cứu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương pháp điện tử, cho phép ngân hàng có thể nhận diện chính xác được khách hàng, từ đó phát triển thêm các phương thức thanh toán mới tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng;

d) Phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán: thanh toán trực tuyến, thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trường gần trên di động (NFC) và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác;

đ) Khuyến khích các mô hình hợp tác giữa các ngân hàng với các tổ chức trung gian thanh toán để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với đặc thù dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội;

e) Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hàng hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán mọi thời điểm (24/7) của các tổ chức, cá nhân.

3. Nghiên cứu xây dựng biện pháp trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng

[...]