Kế hoạch 242/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022

Số hiệu 242/KH-UBND
Ngày ban hành 20/12/2021
Ngày có hiệu lực 20/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 242/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 20 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2022

PHẦN I

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN NUÔI NĂM 2021

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

1. Tình hình chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 có xu hướng giảm về số lượng tổng đàn trâu, tăng tổng đàn bò, đàn gia cầm, đàn lợn tăng so với cùng kỳ do duy trì, đẩy mạnh công tác tái đàn (số liệu đến tháng 10/2021).

Đàn trâu giảm do hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn thả bị thu hẹp, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thay sức kéo, một số hộ xuất bán trâu để lấy vốn đầu tư vào trồng rừng. Ước tính số lượng trâu hiện có 74.010 con; số trâu xuất chuồng ước đạt 2.068 con, tăng 0,34% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 498,39 tấn.

Đàn bò tăng do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức cao, người chăn nuôi có lãi ổn định. Ước tính số lượng bò hiện có 33.590 con, tăng 0,03% so với cùng kỳ; số bò xuất chuồng đạt 750 con, tăng 1,35%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 145,58 tấn, tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn lợn tăng do người dân tái đàn để chuẩn bị tết Nguyên đán năm 2022, số lợn hiện có khoảng 118.241 con, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn xảy ra lẻ tẻ, nhưng cơ bản được khống chế, kiểm soát; số lợn xuất chuồng ước tính 17.865 con, tương đương sản lượng hơi xuất chuồng đạt 1.484,58 tấn, tăng 5,31% so với cùng kỳ năm trước.

Đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.516 nghìn con, tăng 3,61% so với cùng kỳ. Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh có xu hướng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí, đầu ra ổn định, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân; sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.225,42 tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 5.764,63 nghìn quả.

2. Nuôi trồng thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.286,43 ha, tăng 0,17% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.111,80 tấn, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hợp tác xã nuôi trồng thủy sản phát triển, vùng nuôi tập chung như: Hợp tác xã cá lồng Tân Minh huyện Văn Quan, Hợp tác xã thủy sản Hồng Phong, Tam Hoa huyện Bắc Sơn… Số lượng lồng cá đạt 570 lồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Cung ứng giống thủy sản năm 2021 đảm bảo tự chủ, tự chịu trách nhiệm và đảm bảo đời sống cho người lao động; thực hiện thả 2.862.000 con cá bột, cá hương, cá giống ương nuôi các loại (chép, trắm, vược, rô phi), đạt 95% kế hoạch năm; cung ứng khoảng 989.797 con cá giống các loại (trắm, chép, mè, trôi, chim, trê, vược...).

II. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH, NGUYÊN NHÂN PHÁT SINH

1. Tình hình dịch bệnh

Từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn trâu bò, bệnh Dại trên đàn chó, bệnh Cúm gia cầm (A/H5N6 và A/H5N8), Lở mồm long móng gia súc (LMLM) và một số bệnh địa phương xảy ra lẻ tẻ, rải rác nhưng không phát thành dịch như Tụ huyết trùng, Tiên mao trùng…;

- Bệnh DTLCP: từ đầu năm 2021 đến ngày 30/11/2021 bệnh xảy ra tại 2.879 hộ/666 thôn/161 xã /11 huyện, thành phố làm chết, buộc phải tiêu hủy 11.366 con, tổng trọng lượng 615.615 kg (lợn thịt, lợn con 9.371 con, trọng lượng 358.199 kg; lợn nái, lợn đực đang khai thác 1.995 con, trọng lượng 257.416 kg). Đến nay còn 41 xã trên địa bàn tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày.

- Tình hình bệnh dại chó: mẫu giám sát tại 25 hộ/24 thôn/17 xã/7 huyện, thành phố (thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Lộc Bình) cho kết quả (+) 25/28 mẫu. Sau khi có kết quả dương tính với vi rút Dại tất cả các ổ dịch đã được xử lý theo quy định.

- Bệnh VDNC trâu, bò: từ đầu năm đến nay dịch xảy ra tại 624 hộ/275 thôn/108 xã/11 huyện, thành phố, tổng số gia súc mắc bệnh 1.419 con (13 trâu, 1.406 bò) chết, tiêu hủy 110 con/20.107 kg (01 trâu, 73 bò, 36 nghé). Đến nay tất cả các xã qua 21 ngày không phát sinh dịch bệnh (từ đầu tháng 8/2021 đến nay không phát sinh gia súc mắc bệnh).

- Bệnh LMLM gia súc: bệnh xảy ra tại 10 hộ/04 thôn/03 xã/ 02 huyện (Văn Lãng, Bình Gia). Tổng số gia súc mắc bệnh là 50 con (41 trâu, 09 lợn) chết, tiêu hủy 09 lợn trọng lượng 150 kg. Số gia súc mắc bệnh đã khỏi triệu chứng và tiêu hủy theo quy định (hiện nay các ổ dịch đã được khống chế).

- Bệnh Cúm Gia Cầm A/H5N6: từ đầu năm đến nay bệnh xảy ra tại 04 hộ/04 thôn/03 xã (xã Đồng Tiến huyện Hữu Lũng, xã Đại Đồng, xã Chi Lăng huyện Tràng Định) làm chết và buộc phải tiêu hủy 1.751 con gia cầm với tổng trọng lượng 4.214 kg (hiện nay tất cả các ổ dịch đã qua 21 ngày và không phát sinh ổ dịch mới).

- Bệnh Cúm Gia Cầm A/H5N8: xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh tại hộ chăn nuôi gia cầm của xã Yên Bình huyện Hữu Lũng. Đến nay bệnh xảy ra tại 07 hộ/06 thôn/05 xã/04 huyện (Hữu Lũng, Tràng Định, Cao Lộc, Văn Lãng), làm chết và buộc phải tiêu hủy 1.719 con gia cầm với tổng trọng lượng 2.115 kg. Hiện nay tất cả các ổ dịch đã qua 21 ngày và không phát sinh ổ dịch mới.

- Tình hình dịch bệnh thủy sản: không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Nguyên nhân phát sinh

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: từ năm 2019 bệnh xảy ra trên địa bàn 225/226 xã, phường, thị trấn do đó mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, gặp điều kiện thuận lợi, thời tiết thay đổi nắng ẩm, mưa nhiều, sức đề kháng của vật nuôi giảm làm phát sinh dịch bệnh; bên cạnh đó công tác xử lý các ổ dịch còn chưa được triệt để, do hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn con giống, lợn thịt từ các tỉnh khác đưa vào địa bàn không được kiểm soát triệt để đã làm phát sinh và lây lan dịch.

- Bệnh Dại trên đàn chó, mèo: do người nuôi chó, mèo (đặc biệt tại các thôn vùng sâu, vùng xa) không chấp hành khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về công tác tiêm phòng vắc xin dại (tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, khoảng 30% tổng đàn), bên cạnh đó do biến đổi khí hậu thời tiết nóng kéo dài là nguyên nhân phát sinh bệnh dại trên đàn chó, mèo.

- Bệnh VDNC trên đàn trâu, bò: là một bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam (xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020), bệnh phát sinh do vận chuyển, phương tiện đi lại mang theo mầm bệnh, không được khử khuẩn khi vào địa bàn;

- Bệnh Cúm gia cầm: kết quả giám sát lưu hành vi rút cho thấy, vi rút cúm gia cầm vẫn lưu hành trên đàn gia cầm tại một số chợ trên địa bàn tỉnh. Đàn gia cầm hầu hết chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm gặp thời tiết bất lợi suy giảm sức đề kháng sẽ phát bệnh; bên cạnh đó các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tại các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh chưa cao, do vậy luôn tiềm ẩn nguy c ơ tái bùng phát các dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ