Kế hoạch 233/KH-UBND về sản xuất vụ Đông năm 2023 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 233/KH-UBND
Ngày ban hành 12/09/2023
Ngày có hiệu lực 12/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Văn Diện
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 233/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 12 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT CÂY VỤ ĐÔNG NĂM 2023

Vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa quan trọng đối với sản xuất trồng trọt, sản phẩm cây vụ Đông rất đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định và mang lại thu nhập cao cho người dân. Kết quả trong sản xuất vụ Đông có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng lĩnh vực Trồng trọt. Với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất vụ Đông theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tăng hệ số sử dụng đất và từng bước đưa vụ Đông trở thành một trong các vụ sản xuất chính trong năm, góp phần tăng tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 3877/TTr-SNNPTNT ngày 23/8/2023; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023 với các nội dung sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG NĂM 2022

1. Thuận lợi

- Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương, của Tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh1;

- Từ tỉnh đến địa phương đã xác định sản xuất vụ Đông là vụ sản xuất chính, có giá trị kinh tế cao với nhiều lợi thế do cơ cấu cây trồng đa dạng phong phú và điều kiện khí hậu phù hợp;

- Điều kiện thời tiết giữa và cuối vụ thuận lợi cho các cây trồng vụ Đông sinh trưởng phát triển cho năng suất và chất lượng cao. Thị trường tiêu thụ cây trồng vụ Đông thuận lợi, giá một số sản phẩm vụ Đông đều tăng cao có lợi cho người sản xuất.

2. Khó khăn

- Thời tiết diễn biến phức tạp trong tháng 9, tháng 10 còn xuất hiện mưa lớn diện rộng ảnh hưởng đến thu hoạch lúa mùa, khó khăn cho việc làm đất phục vụ sản xuất cây vụ Đông sớm, cây ưa ấm ngô, lạc;

- Vụ Đông năm 2022, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ do chuyển sang làm các Khu công nghiệp hoặc các lĩnh vực khác phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất vụ Đông còn hạn chế, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm trồng trọt vẫn thiếu, chưa có nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vụ Đông.

3. Kết quả sản xuất

- Diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2022 đạt 7.167 ha, năng suất hầu hết các cây trồng đều đạt định mức, cây trồng có giá trị cao được mở rộng diện tích; giá trị sản xuất vụ Đông năm 2022 ước đạt trên 1.400 tỷ đồng. Những cây trồng có giá trị cao được các địa phương đưa vào sản xuất như khoai tây, củ đậu đạt giá trị từ 160 - 200 triệu đồng/ha; rau cao cấp 110 - 150 triệu đồng/ha; hoa cây cảnh từ 300 - 500 triệu đồng/ha;

- Diện tích tích tụ ruộng đất để sản xuất rau màu, khoai tây, hoa đạt khoảng 450 ha; việc tích tụ ruộng đất đã tạo thuận lợi cho phát triển cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

II. KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG NĂM 2023

1. Nhận định tình hình

1.1. Thuận lợi

- Các địa phương chuẩn bị sớm các điều kiện, giải pháp phát triển sản xuất vụ Đông như tăng trà lúa mùa sớm, tăng giống ngắn ngày... để bố trí thời vụ cây vụ Đông, nhất là vụ Đông sớm; tăng diện tích sản xuất an toàn, theo quy trình VietGAP, hữu cơ; tăng cường tích tụ ruộng đất sản xuất quy mô lớn;

- Các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục là động lực khuyến khích, thúc đẩy sản xuất phát triển cây vụ đông;

- Phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường đang được nhân rộng.

1.2. Khó khăn

- Thời tiết vụ Đông năm 2023 dự báo sẽ diễn biến phức tạp. Đầu vụ Đông thường xảy ra mưa úng làm chậm tiến độ gieo trồng cây vụ Đông;

- Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc đầu tư, áp dụng cơ giới hóa, nhất là khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch;

- Giá vật tư đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao, chi phí sản xuất lớn; nhân lực lao động sản xuất nông nghiệp thiếu và yếu do tuổi cao;

- Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; chưa xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản rộng khắp, đa dạng loại hình và quy mô, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia.

2. Định hướng sản xuất

- Kết quả sản xuất vụ Đông năm 2023 hết sức quan trọng với việc ổn định an sinh xã hội, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp trong năm 2023 giúp người nông dân ổn định sinh kế;

- Tập trung thu hoạch nhanh lúa Mùa sớm để có quỹ đất trồng cây vụ Đông ưa ấm. Tận dụng tối đa phế phụ phẩm trong trồng trọt để sản xuất phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ theo tỷ lệ phù hợp nhằm sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị;

[...]