Kế hoạch 5227/KH-UBND năm 2022 về sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân năm 2022-2023 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 5227/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2022
Ngày có hiệu lực 30/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5227/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2022 - 2023

I. Nhận định tình hình thời tiết, thủy văn, nguồn nước

1. Tình hình thời tiết, thủy văn:

Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023 như sau:

- Hiện tượng ENSO: Từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 02 năm 2023, trạng thái La Nina tiếp tục duy trì với xác suất trong khoảng từ 65 - 75%. Từ nay đến tháng 02 năm 2023, trên khu vực Biển Đông có khoảng 01 - 03 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng xảy ra bão và mưa lớn tại khu vực miền Trung trong cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12 năm 2022. Khả năng tháng 01 năm 2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông. Trong nửa cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12 năm 2022, khu vực tỉnh Ninh Thuận ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp từ 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới.

- Nhiệt độ: Từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 02 năm 2023 nhiệt độ phổ biến từ 23,00C - 26,50C, thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN); từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023, khu vực ven biển ở mức 26,50C - 28,50C ở mức xấp xỉ TBNN, khu vực miền núi từ 27,00C - 29,00C.

- Tình hình mưa:

+ Lượng mưa khu vực ven biển: Tháng 12/2022 mưa từ 50 - 100 mm, thấp hơn TBNN (TBNN là 103,3 mm); Tháng 01/2023 trong khoảng 5 - 15 mm, xấp xỉ TBNN (TBNN là 12,1 mm); Tháng 02/2023 trong khoảng < 5 mm, xấp xỉ TBNN (TBNN là 3,8 mm); Tháng 3/2023 trong khoảng < 10 mm, xấp xỉ TBNN (TBNN là 10,5 mm); Tháng 4/2023 trong khoảng 5 - 20 mm, thấp hơn TBNN (TBNN là 26,3 mm); Tháng 5/2023 trong khoảng 50 - 80 mm, xấp xỉ TBNN (TBNN là 79 mm).

+ Lượng mưa khu vực miền núi: Tháng 12/2022 mưa từ 70 - 120 mm, xấp xỉ đến cao hơn TBNN (TBNN là 79,3 mm); Tháng 01/2023 trong khoảng < 10 mm, xấp xỉ đến TBNN (TBNN là 8,2 mm); Tháng 02/2023 trong khoảng < 5 mm, xấp xỉ đến TBNN (TBNN là 2,3 mm); Tháng 3/2023 trong khoảng < 10 mm, xấp xỉ đến TBNN (TBNN là 18,2 mm); Tháng 4/2023 trong khoảng < 15 - 35 mm, thấp hơn TBNN (TBNN là 41,2 mm); Tháng 5/2023 trong khoảng < 70 - 100 mm, thấp hơn TBNN (TBNN là 109 mm).

2. Tình hình nguồn nước: Tính đến ngày 18/11/2022, tổng dung tích 22 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện tích được 298,06/414,29 triệu m3, đạt 71,9% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 156,21/165 triệu m3, đạt 94,67% dung tích thiết kế, lưu lượng nước vào hồ là 27,80 m3/s và lưu lượng xả qua nhà máy là 25,97 m3/s.

II. Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023

1. Quan điểm chỉ đạo: Ưu tiên nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm. Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, đặc biệt là lượng nước được tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương để chủ động có phương án sản xuất linh hoạt, hiệu quả, tổ chức điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp sản xuất cụ thể từng xứ đồng; ứng phó với việc sản xuất lệch vụ, thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới được Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Tuyên truyền Nhân dân tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 đảm bảo đúng tiến độ, lịch thời vụ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Mục tiêu: Phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn thực phẩm, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững nhằm nâng cao thu nhập của nông dân; ứng dụng công nghệ cao, thông minh và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Kế hoạch sản xuất: Căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương đến thời điểm hiện tại thì cơ bản nguồn nước đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân, nước uống cho gia súc và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, nguồn nước cho cây trồng lâu năm, nguồn nước còn lại sẽ phục vụ sản xuất nông nghiệp trong vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh là 27.000 ha (Lúa 17.363,7 ha; màu 9.636,3 ha), cụ thể như sau:

- Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: 1.379,5 ha (Lúa 1.000 ha; màu 379,5 ha).

- Huyện Bác Ái: 1.900 ha (Lúa 800 ha; màu 1.100 ha).

- Huyện Ninh Sơn: 6.846 ha (Lúa 3.280 ha; màu 3.566 ha).

- Huyện Ninh Hải: 2.720 ha (Lúa 2.265 ha; màu 455 ha).

- Huyện Ninh Phước: 8.261,7 ha (Lúa 5.286,4 ha; màu 2.975,3 ha)

- Huyện Thuận Bắc: 3.692,8 ha (Lúa 2.982,3 ha; màu 710,5 ha).

- Huyện Thuận Nam: 2.200 ha (Lúa 1.750 ha; màu 450 ha).

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

4. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023:

Căn cứ kết quả rà soát về diện tích chuyển đổi tại các địa phương, trên cơ sở đăng ký và thống nhất kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 toàn tỉnh là 371 ha (chuyển đổi đất lúa 152,7 ha và đất khác 218,3 ha), sang cây ngắn ngày 301,5 ha và cây dài ngày 69,5 ha, cụ thể:

- Huyện Thuận Nam: 03 ha chuyển đổi trên đất lúa, sang cây ngắn ngày 2,5ha và cây dài ngày 0,5 ha.

- Huyện Ninh Phước: 27,7 ha (chuyển đổi trên đất lúa 20,7 ha và đất khác 07ha), sang cây ngắn ngày 13 ha và cây dài ngày 14,7 ha.

[...]