Kế hoạch 2318/KH-UBND năm 2024 thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Số hiệu 2318/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2024
Ngày có hiệu lực 19/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Lưu Văn Bản
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2318/KH-UBND

Hải Dương, ngày 19 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 93/NQ-CP NGÀY 05/7/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 (Nghị quyết số 93/NQ-CP). UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

- Xác định cụ thể các nội dung công việc, các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh Hải Dương.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phân công nhiệm vụ cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 93/NQ-CP.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh để chủ động thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực thi hành.

- Kiến nghị các cơ quan Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ hay ban hành mới các văn bản pháp luật để thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và có lộ trình.

- Khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, quản lý thị trường... nhằm giải phóng các nguồn lực cho phát triển, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư, đất đai, môi trường, quy hoạch, xây dựng, xuất nhập khẩu, phòng cháy chữa cháy, thuế... và cắt giảm các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cách đồng bộ trên toàn tỉnh. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ toàn trình, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, thư điện tử hoặc qua các phần mềm liên thông giữa các cơ quan (hạn chế người dân phải đi lại nhiều).

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý tại các Sở, ngành và đơn vị liên quan, doanh nghiệp và người dân tại địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu cần đáp ứng khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập.

2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/8/2021 của Tỉnh ủy về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.

- Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Phân định trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan, đơn vị chủ trì để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát chặt chẽ việc triển khai. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại địa phương phát triển ổn định thông qua việc cắt giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, ban hành một số chính sách ưu đãi (thuế, gói ưu đãi lãi suất ngân hàng, giá thuê đất, mặt bằng sạch…)…; tăng năng suất lao động; cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ; hướng tới xây dựng một số doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, vươn tầm khu vực và thế giới.

- Tích cực triển khai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong và ngoài nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

- Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao.

3. Thực thi hiệu quả các FTA

- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước (chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ… theo tiêu chuẩn quốc tế) giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP.

- Đẩy mạnh đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về các FTA tới các doanh nghiệp. Phối hợp với Bộ Công Thương tiếp nhận, vận hành, nâng cấp và phát triển Cổng thông tin điện tử Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP) nhằm kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện các FTA.

4. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững

- Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm phục hồi chuỗi cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.

- Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…), bảo đảm hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

[...]