Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 238/KH-UBND
Ngày ban hành 02/02/2023
Ngày có hiệu lực 02/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Minh Hùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/KH-UBND

Hải Dương, ngày 02 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU SẢN XUẤT KINH DOANH, GÓP PHẦN XÂY DỰNG HẢI DƯƠNG TRỞ THÀNH TỈNH CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI VÀO NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1584/QĐ-UBND ngày 07/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU

1. Mục đích:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện nhằm đạt được các nội dung và mục tiêu của Đề án gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện, bảo đảm Đề án được triển khai kịp thời, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Đề án, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Việc xây dựng Kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án phải được tiến hành đồng bộ, đảm bảo triển khai nhanh chóng, kịp thời trên phạm vi toàn tỉnh.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đã được Ủy ban nhân dân tinh phân công bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.

- Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, đảm bảo có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ trong các cơ quan nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu chung: Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Hải Dương đảm bảo quy mô, cơ cấu, chất lượng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Phấn đấu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, có kĩ năng, kĩ thuật, tác phong công nghiệp, văn hóa và ý thức kỷ luật cao để xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

3.2. Mục tiêu cụ thể:

3.2.1.Mục tiêu đến năm 2025:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đến năm 2025 đạt 33%.

- Phấn đấu 20% đến 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các Trung tâm GDNN - GDTX, trong đó 95% được đào tạo nghề song song với học văn hóa; 30% đến 35% học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

- Phấn đấu quy mô tuyển sinh đại học và trên đại học của tỉnh đạt 25.000 sinh viên.

- Phấn đấu quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2025 đạt 192.100 người; ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.

- Phấn đấu trường Cao đẳng nghề Hải Dương đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Đến năm 2025 tỷ lệ thiếu việc làm dưới 2%.

- Cơ cấu lao động đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 19%; công nghiệp - xây dựng: 50,5%; Dịch vụ: 30,5%.

- Lực lượng lao động phổ thông, lao động giản đơn trong doanh nghiệp còn dưới 65%.

- Phấn đấu bình quân mỗi năm, mỗi doanh nghiệp tổ chức từ 02 đến 04 hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tập trung cho công nhân, người lao động; 50% doanh nghiệp mới thành lập, cụm, khu công nghiệp có địa điểm, nhà tập luyện thể dục thể thao đơn giản, đảm bảo tổ chức được một số hoạt động thi đấu thể thao (bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông…).

3.2.2. Mục tiêu đến năm 2030

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 43% vào năm 2030.

[...]