Kế hoạch 230/KH-UBND năm 2023 thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024

Số hiệu 230/KH-UBND
Ngày ban hành 21/12/2023
Ngày có hiệu lực 21/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Chí Cường
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 230/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2024

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ Tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố triển khai thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 và Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2023 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 17 tháng 02 năm 2023 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Huy động hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể xã hội, cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, góp phần đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

b) Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ Tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2021 của UBND thành phố triển khai thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 và Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2023 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 17 tháng 02 năm 2023 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

c) Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

d) Tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm, áp dụng các biện pháp tiên tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm. Kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng.

2. Yêu cầu

Việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) phải đồng bộ và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức. Phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP của cơ quan nhà nước. Thiết lập và kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm.

3. Mục tiêu năm 2024

a) 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận).

b) Thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nguy cơ cao gây mất ATTP. Qua đó, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời các sự cố gây mất an toàn thực phẩm, góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

c) Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện ký cam kết; kiểm tra 35% tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m.

d) Tổ chức thông tin, truyền thông về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành các quy định về ATTP; chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi mua thực phẩm.

e) Mô hình bảo đảm ATTP: Xây dựng, cải tạo, sửa chữa và công nhận 04 chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP; kiểm tra 100% chợ đã được công nhận chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP; nhân rộng các mô hình điểm về thức ăn đường phố, khu phố ẩm thực.

g) Giám sát ô nhiễm trong sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường và truy xuất nguồn gốc; tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

h) Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông, phân phối trong phạm vi thành phố; ngăn chặn, xử lý kịp thời việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại; kiểm soát kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.

i) Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP), hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố; không để xảy ra tử vong do NĐTP; 100% vụ NĐTP được điều tra, xử lý kịp thời; khống chế tỷ lệ mắc NĐTP cấp tính được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN (Chi tiết nội dung theo phụ lục đính kèm)

III. KINH PHÍ

Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các đơn vị, địa phương chủ động cân đối nguồn kinh phí được giao năm 2024, các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) theo quy định để thực hiện và huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã căn cứ nội dung Kế hoạch này tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời triển khai thực hiện các Chương trình, Quyết định, Kế hoạch về ATTP đã được UBND thành phố phê duyệt; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện chậm nhất vào ngày 25 hằng tháng gửi Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố thông qua cơ quan thường trực là Ban Quản lý An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Thường trực HĐND thành phố, Thường trực Thành ủy và Bộ, ngành Trung ương.

2. Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả theo đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

[...]