Kế hoạch 226/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 226/KH-UBND
Ngày ban hành 18/11/2021
Ngày có hiệu lực 18/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Dương Xuân Huyên
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 226/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 49-NQ/TU NGÀY 28/9/2021 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH LẠNG SƠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên của Nghị quyết số 49-NQ/TU để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tạo sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, huy động mọi nguồn lực để tổ chức, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

2. Yêu cầu

- Xác định việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; tạo sự đồng thuận cao của các tầng lớp Nhân dân.

- Đổi mới tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đổi mới hoạt động quản lý, điều hành và giải quyết công việc của các cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức, lối sống, làm việc của người dân, hướng tới phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết số 49-NQ/TU; xác định lộ trình rõ ràng, hợp lý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh, các huyện, thành phố, ngành, lĩnh vực.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị, tổ chức có liên quan chủ động nghiên cứu các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết để xác định lộ trình rõ ràng, hợp lý, bước đi vững chắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch. Đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số thực sự trở thành nền tảng quan trọng, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu toàn quốc về chuyển đổi số.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Phát triển chính quyền số

- 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.

- 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.

- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

- 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

- 100% tài liệu lưu trữ lịch sử; hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

- 100% cơ quan nhà nước có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

[...]