Kế hoạch 2249/KH-UBND về triển khai Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (PCI) tỉnh Phú Thọ năm 2018 và những năm tiếp theo

Số hiệu 2249/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2018
Ngày có hiệu lực 31/05/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hoàng Công Thủy
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2249/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 31 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2018/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH PHÚ THỌ NĂM 2018 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

1. Mục tiêu

- Tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu trong khu vực miền núi trung du phía Bắc trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, phấn đấu tăng thứ bậc xếp hạng và điểm số PCI qua từng năm.

- Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tạo động lực, đột phá về thu hút đầu tư vào tỉnh.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nâng cao năng lực quản trị và vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp;

2. Một số mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể

2.1. Đối với chỉ số PCI:

- Cải thiện tích cực các chỉ số thành phần ở mức thấp; Phấn đấu có 10/10 chỉ số thành phần PCI đều tăng điểm so với năm 2017.

- Tạo bước đột phá về cải thiện chỉ số Cơ sở hạ tầng của tỉnh Phú Thọ (gồm khu/cụm công nghiệp, đường bộ, điện, điện thoại và mạng internet).

2.2. Một số chỉ tiêu theo Nghị quyết 19/2018/NQ-CP:

- Đảm bảo duy trì tổng thời gian để hoàn thành các thủ tục khởi sự doanh nghiệp là 8-10 ngày. Rút ngắn thời gian doanh nghiệp mua hóa đơn VAT hoặc tự in hóa đơn xuống dưới 4 ngày. Thời gian cấp mã số doanh nghiệp tối đa ½ ngày tại cơ quan thuế.

- Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến hết 2018, 100% các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch; góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch của cả nước; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics; từng bước giảm chi phí logistic để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Một số giải pháp chủ yếu

1.1. Về cải cách hành chính

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, kịp thời thay thế, bổ sung hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến khởi sự doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đất đai, cấp phép xây dựng, môi trường, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội… trên địa bàn tỉnh theo hướng tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân.

- Đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa, một cửa liên thông” đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực phẩm chất, am hiểu, nắm vững chuyên môn, phương châm “thân thiện, chuyên nghiệp và phục vụ” nhằm tạo tâm lý thoải mái, thân thiện khi nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên hệ làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm cán bộ, công chức và người đứng đầu có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch trong thực thi công vụ và tiếp xúc với doanh nghiệp. Hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn và chuẩn hóa về thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng tại bộ phận một cửa của tất cả các cơ quan nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành, địa phương.

- Nghiên cứu xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, huyện. Các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. Phối hợp chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Giảm thủ tục tiền kiểm, tăng cường công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp.

1.2. Công khai, minh bạch thông tin; hỗ trợ pháp lý và tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, người dân

- Xây dựng và thực hiện cập nhật bắt buộc, thường xuyên, có hệ thống và công khai, minh bạch Danh mục các văn bản pháp quy, kế hoạch, quy hoạch của tỉnh, huyện (đầy đủ thuyết minh và các tài liệu liên quan), phổ biến tới người dân, doanh nghiệp trên các cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Xây dựng và công khai Danh mục dự án kêu gọi đầu tư, địa bàn khuyến khích đầu tư vào tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2018-2020 trên tất cả các lĩnh vực. Xây dựng, cập nhật thường xuyên, công khai thông tin về đất đai tại các khu, cụm công nghiệp, đất ngoài khu, cụm công nghiệp để doanh nghiệp nghiên cứu cơ hội đầu tư. Xây dựng, công khai thông tin mô tả doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực quy mô và năng lực sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp theo từng ngành kinh tế để nhà đầu tư tiềm năng tiện nghiên cứu đối tác, thị trường, liên kết sản xuất.

- Tiếp tục triển khai thực hiện việc đối thoại doanh nghiệp định kỳ, Lãnh đạo UBND tỉnh ít nhất hai lần/năm (01 lần/6 tháng); lãnh đạo UBND các huyện, thành thị ít nhất bốn lần/năm (01 lần/quý) để thông tin về định hướng lãnh, chỉ đạo, cơ chế chính sách mới; nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành chủ động, tăng cường đối thoại, thông tin cho các hiệp hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp và doanh nghiệp các chế độ, chính sách mới của ngành, lĩnh vực quản lý; nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

- Thống nhất rà soát, quản lý kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến doanh nghiệp thông qua Kế hoạch thanh tra toàn tỉnh của Thanh tra tỉnh, 1 năm không quá 01 lần/01 doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Công khai kế hoạch để doanh nghiệp biết và chuẩn bị ngay từ đầu năm. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần điều chỉnh theo hướng tìm ra điểm bất cập, chưa phù hợp để nhắc nhở, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt quy định của pháp luật.

1.3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân:

[...]