Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2232/KH-UBND năm 2018 về triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 2232/KH-UBND
Ngày ban hành 18/04/2018
Ngày có hiệu lực 18/04/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Phan Văn Đa
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2232/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 04 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Triển khai Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025; văn bản số 1439/BYT-TTDS ngày 24/3/2017 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

a) Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; các chỉ tiêu cụ thể:

- 100% lãnh đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;

- 90% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

b) Nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi:

- 60% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.

- 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.

c) Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,...):

- 80% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

- 90% bệnh viện tuyến tỉnh (trừ Bệnh viện Nhi Lâm Đồng) có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi.

- Trên 90% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.

d) Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong các cơ sở khám, chữa bệnh:

- 90% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.

- Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở y tế.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn toàn tỉnh; tập trung ở các địa bàn có nhiều người cao tuổi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

2. Đối tượng:

- Đối tượng thụ hưởng: Người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), gia đình có người cao tuổi.

- Đối tượng tác động: Cấp ủy Đảng, chính quyền và ban, ngành, đoàn thể; cán bộ y tế, dân số; tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện kế hoạch; cộng đồng người cao tuổi sinh sống.

3. Thời gian, nội dung thực hiện:

- Thời gian thực hiện: Đến năm 2020.

- Nội dung: Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng: tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kì, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi của các cơ sở y tế; thực hiện Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo hướng dẫn; xây dựng tổ chức, quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nhân bản tài liệu và tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi.

[...]