Kế hoạch 2230/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 48/NQ-CP phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 2230/KH-UBND
Ngày ban hành 21/06/2023
Ngày có hiệu lực 21/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phan Văn Đăng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2230/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 21 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 48/NQ-CP NGÀY 03/4/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Căn cứ Chương trình hành động số 60-CTr/TU ngày 18/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 912/QĐ-UBND ngày 21/4/2020 của UBND tỉnh về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Công văn số 453/UBND-KT ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức quán triệt sâu rộng, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, xác định rõ nhiệm vụ giải pháp, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với đặc điểm, tình hình của tỉnh.

2. Yêu cầu

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực được giao tổ chức quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ, toàn diện và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh; xác định tài nguyên, môi trường biển là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh và phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; phát triển kinh tế biển của tỉnh cùng với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển kinh tế biển xanh; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển là quyền lợi, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động khu vực ven biển, trên biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển của tỉnh.

II. Mục tiêu đến năm 2030

1. Mục tiêu tổng quát:

Tài nguyên biển và hải đảo thuộc phạm vi quản lý của tỉnh phải được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

a) Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

b) Ô nhiễm môi trường biển được kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu; các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền và trên biển, sự cố môi trường biển, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương được quan trắc, kiểm soát và quản lý hiệu quả. Đến năm 2030, ở các địa phương ven biển của tỉnh, 99% chất thải nguy hại, 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 90% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và địa phương ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.

Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, khu vực biển, ven biển được bảo tồn đạt tối thiểu 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển của tỉnh, bao gồm các khu bảo tồn biển và ven biển; khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn,…; tăng cường trồng rừng ở các vùng ven biển, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt mức an toàn sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học rừng ven biển và các đụn cát tự nhiên tiến tới phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường cũng như khu vực bị suy thoái.

c) Ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng được tăng cường.

d) Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.

Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Bình Thuận trở thành địa phương mạnh về biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.

III. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ

1. Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo

Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm.

a) Phân vùng sử dụng không gian biển

- Từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các sở, ngành và các địa phương ven biển bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Thực hiện các mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh; khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các di sản văn hóa biển.

- Ưu tiên bố trí không gian biển cho các hoạt động sau:

+ Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch ven biển, hải đảo của tỉnh; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển, hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao, các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng; phát triển các tuyến du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ kết hợp với dịch vụ biển khác. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm, về khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%/ năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 18 - 20%/năm, về khách quốc tế chiếm từ 10 - 12% / năm. Định hướng đến 2030 duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 20 - 22%/năm, về khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%/năm.

[...]