Kế hoạch 2199/KH-UBND năm 2024 hành động thích ứng Quy định không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn tỉnh G​ia Lai

Số hiệu 2199/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2024
Ngày có hiệu lực 25/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Dương Mah Tiệp
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2199/KH-UBND

Gia Lai, ngày 25 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THÍCH ỨNG QUY ĐỊNH KHÔNG GÂY MẤT RỪNG (EUDR) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Công văn số 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng EU.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch hành động thích ứng Quy định không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn tỉnh Gia Lai với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đảm bảo thực hiện thiết thực, hiệu quả các hoạt động để thích ứng với quy định, tránh ảnh hưởng tới xuất khẩu các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su... sang thị trường Châu Âu nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung, trong bối cảnh Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra thời hạn để thực thi quy định không gây mất rừng (EUDR) chính thức áp dụng vào tháng 12/2024 (tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ).

- Triển khai, tổ chức tuyên truyền và phổ biến Bộ quy trình hướng dẫn để các địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai các hoạt động cần thiết để thích ứng với quy định của Liên minh Châu Âu (EU) về không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo xây dựng các vùng sản xuất không gây mất rừng, suy thoái rừng, góp phần sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên, bảo vệ bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

- Đáp ứng những tiêu chuẩn xanh, chính sách xanh của Liên minh Châu Âu (EU) cũng là cơ hội giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc từng doanh nghiệp tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế xanh ở địa phương; mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp tới các thị trường phát triển khác vốn cũng đang thúc đẩy các hành động tương tự.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định sản xuất, xuất khẩu các hàng hóa; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho các loại hàng hóa nông lâm sản của tỉnh đảm bảo quy định về chuỗi các giá trị sản phẩm không gây mất rừng, suy thoái rừng khi nhập khẩu vào Châu Âu nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung.

- Đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước về cung cấp thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước theo ngành, lĩnh vực quản lý.

- Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

- Kế hoạch cần sự tham gia có trách nhiệm, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có liên quan; huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ các thành phần kinh tế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng (EUDR); xây dựng, kế thừa cơ sở dữ liệu về rừng và các loài cây trồng khác làm nền tảng để cung cấp bằng chứng cho các nhà nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa không gây mất rừng; thích ứng và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của các ngành hàng xuất khẩu của tỉnh Gia Lai, thúc đẩy thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại Châu Âu và các thị trường quan trọng khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Hỗ trợ xây dựng các cơ sở dữ liệu vùng trồng sản xuất không gây phá rừng, suy thoái rừng, sản xuất bền vững kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, xây dựng các chuỗi cung ứng quy mô lớn, bền vững cho các loại hàng hóa nông lâm sản của tỉnh đáp ứng với các yêu cầu của thị trường và Liên minh Châu Âu (EU) trong giai đoạn 2023-2030.

- Tập trung quản lý và giám sát chặt chẽ vùng nguy cơ rủi ro cao (các vùng trồng xen kẽ rừng, tiếp giáp rừng) đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, chú trọng các mặt hàng như: Cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su... và một số mặt hàng nông nghiệp thế mạnh khác (nếu có); tăng cường công tác tuần tra, giám sát để bảo vệ rừng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng và triển khai các giải pháp truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng đến vùng, có gắn với tọa độ địa lý và tích hợp mã số vùng trồng của từng vườn đối với các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR để sản phẩm đưa ra thị trường hoặc xuất khẩu đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo đúng quy định EUDR và các quy định của Việt Nam.

- Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; nhân rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn gắn với chế biến tập trung; tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài, kết hợp với các mục tiêu bảo tồn tài nguyên, bảo vệ bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; áp dụng các chứng chỉ bền vững đối với các ngành hàng như: Cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su...và một số mặt hàng nông nghiệp thế mạnh khác (nếu có). Hỗ trợ chuyển đổi, cải thiện sinh kế cho nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người dân sống ở khu xen kẽ rừng, tiếp giáp rừng, vùng sâu, vùng xa để đáp ứng quy định EUDR.

- Tiếp tục khẳng định phát triển nông, lâm nghiệp bền vững là thế mạnh và là nền tảng ổn định lâu dài, coi đây là nhiệm vụ then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ

1. Xây dựng khung hợp tác trong thực hiện quy định không gây mất rừng (EUDR)

Thành lập nhóm Công tác công tư cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR, như: nhóm Công tác ngành hàng gỗ và lâm sản, nhóm công tác ngành hàng như: Cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su...; triển khai các hoạt động hợp tác công tư; thực hiện các hoạt động và chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR; phối hợp với nhóm công tác chung và nhóm công tác các ngành hàng ở trung ương, các tổ chức quốc tế xây dựng các thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ triển khai thực hiện các hợp tác công tư; xây dựng các chương trình, dự án để kêu gọi đầu tư công, tư và tài trợ quốc tế để triển khai thực hiện các hoạt động trên. Cân đối, tham mun bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng thích ứng với quy định EUDR.

2. Tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR

2.1. Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật cho các ngành hàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR

[...]