Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 359/KH-UBND năm 2023 thực hiện Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 359/KH-UBND
Ngày ban hành 12/09/2023
Ngày có hiệu lực 12/09/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 359/KH-UBND

Lào Cai, ngày 12 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KHUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THÍCH ỨNG VỚI QUY ĐỊNH KHÔNG GÂY MẤT RỪNG (EUDR) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Văn bản số 5179/BNN-HTQT ngày 01/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu (EC). Để đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định quốc tế trong quá trình tham gia thương mại quốc tế các sản phẩm nông, lâm sản; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Khung Kế hoạch hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng (EUDR) trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thích ứng với những quy định không gây mất rừng của Ủy ban Châu Âu đối với những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.

- Xây dựng vùng nguyên liệu với các sản phẩm chủ lực từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghệ chế biến nhằm mang lại giá trị cao, phù hợp với tình hình thực tế tạo sinh kế, việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân từ rừng trồng để giảm bớt áp lực đối với rừng tự nhiên theo hướng bền vững.

2. Yêu cầu

Kế hoạch bám sát nội dung chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai tại các văn bản như: Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án số 01 /ĐA-TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lào Cai; Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng tỉnh Lào Cai gắn với quản lý, bảo vệ rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái...

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Quản lý rừng

- Thực hiện tốt Quy hoạch lâm nghiệp tích hợp trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quản lý tốt quy hoạch lâm nghiệp; phân định rõ ranh giới rừng giữa các chủ rừng thống nhất trên hồ sơ và ranh giới ngoài thực địa; trong đó tổ chức rà soát chi tiết diện tích rừng và đất rừng của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để giao đất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến năm 2025 cơ bản hoàn thành.

- Kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm 2030 ổn định khoảng 417.122 ha, trong đó: Diện tích rừng đặc dụng 85.644 ha; rừng phòng hộ 144.821 ha; rừng sản xuất 186.6570 ha.

- Quy hoạch vùng trồng rừng, vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát biến động, suy thoái rừng nhằm phát hiện và có giải pháp ứng phó kịp thời; đồng thời làm cơ sở kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng.

2. Bảo vệ rừng

- Bảo vệ tốt diện tích 382.861 ha rừng hiện có và diện tích rừng tăng trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là đối với diện tích rừng tự nhiên.

- Tuần tra bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại về rừng tới mức thấp nhất khi có cháy rừng xảy ra; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của chủ rừng, UBND cấp xã trong công tác bảo vệ rừng nói riêng và toàn thể người dân nói chung; huy động tối đa nguồn lực toàn xã hội cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

3. Sử dụng rừng

- Xây dựng mô hình liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị sản phẩm; tuyên truyền hướng dẫn tổ chức, cá nhân quan tâm phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển sản phẩm hữu cơ.

- Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, chế biến nông sản, lâm sản tại tỉnh nhằm tạo ra sức bật quan trọng cho ngành lâm nghiệp. Việc kêu gọi đầu tư được thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể thiết thực.

- Thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững và chúng chỉ rừng; điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quản lý rừng bền vững phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện và bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể, thích ứng linh hoạt với xu thế của thị trường và các quy định quốc tế.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, cụ thể: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án số 01/ĐA-TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Tiểu dự án số 01 thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025...

- Tuyên truyền, vận động các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về quy định của EUDR; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định EUDR trong quá trình sản xuất, đảm bảo yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

- Thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, đảm bảo đủ các điều kiện để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng. Xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ hiện trạng rừng gắn với quy hoạch vùng sản xuất; rà soát, thống nhất hiện trạng rừng giữa bản đồ, hồ sơ quản lý và ngoài thực địa.

- Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng đặc biệt đối với những khu vực rủi ro có nguy cơ cao xảy ra phá rừng để từ đó xác định các giải pháp phù hợp trong quản lý, giám sát, bảo vệ rừng; cập nhật thường xuyên, đầy đủ biến động rừng nhằm tăng cường quản lý nguồn gốc lâm sản đảm bảo theo quy định EUDR.

- Chia sẻ, cập nhật, bổ sung và số hóa dữ liệu bản đồ các loại rừng, khu vực chưa có trên bản đồ địa chính để thống nhất dữ liệu giữa bản đồ địa chính và bản đồ lâm nghiệp.

[...]