Kế hoạch 2180/KH-UBND năm 2016 triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong trường phổ thông tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2180/KH-UBND
Ngày ban hành 06/05/2016
Ngày có hiệu lực 06/05/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Phước
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2180/KH-UBND

Bến Tre, ngày 06 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2008-2020” TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2016-2020

Tiếp tục thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được phê duyệt theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án NNQG 2020);

Căn cứ vào kết quả thực hiện Kế hoạch số 2103/KH-UBND ngày 27 tháng 5 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Kế hoạch NN 2011-2015), Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Kế hoạch NN 2016-2020).

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ VIỆC TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NN 2011-2015

1. Mặt được

Việc triển khai Kế hoạch NN 2011-2015 được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh liên quan. Công tác chỉ đạo, phối hợp triển khai Đề án NNQG 2020 trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện kịp thời, thể hiện sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành có liên quan.

Công tác bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy được ưu tiên thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng giáo viên với nhiều trình độ, nhiều phương thức đào tạo, phù hợp với năng lực của giáo viên với nguồn kinh phí của Trung ương và tỉnh. Nhờ đó, năng lực về ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy của giáo viên tiếng Anh từng bước được nâng lên. Qua khảo sát năm 2011, chỉ có 01 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn thì đến cuối năm 2015, số giáo viên tiếng Anh tiểu học (TH) đạt chuẩn là 68/168 (40,5%), số giáo viên tiếng Anh trung học cơ sở (THCS) đạt chuẩn là 155/480 (32,3%), số giáo viên tiếng Anh trung học phổ thông (THPT) đạt chuẩn là 38/206 (18,4%); số giáo viên tiếng Pháp THCS, THPT đạt chuẩn là 15/35 (42,9%). Nhiều giáo viên ngoại ngữ có tiến bộ rõ rệt về năng lực ngôn ngữ, tự tin trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại phù hợp với yêu cầu của Đề án NNQG 2020. Các giáo viên được bồi dưỡng ở nước ngoài được phân công làm giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn, hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyên môn của trường, phòng, Sở GDĐT.

Trang thiết bị dạy học và học liệu tối thiểu cũng được quan tâm đầu tư theo đúng yêu cầu của Đề án NNQG 2020 và điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục có giáo viên đạt chuẩn. Trang thiết bị dạy học hầu hết được giáo viên khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông trong tỉnh.

Việc tổ chức dạy học các chương trình tiếng Anh phát triển về quy mô, nhất là ở cấp Tiểu học. Chất lượng dạy học ngoại ngữ ngày càng được nâng lên, nhất là các kỹ năng giao tiếp.

Ý thức của xã hội về tầm quan trọng của ngoại ngữ ngày càng được nâng cao. Việc học tiếng Anh ở trong lẫn bên ngoài nhà trường phổ thông được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh, ở nhiều lứa tuổi.

Công tác hợp tác quốc tế cũng đã được quan tâm thực hiện. Đã tranh thủ được sự hỗ trợ về kinh phí, về đội ngũ giáo viên bản ngữ của Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế cho bồi dưỡng giáo viên, dạy ngoại ngữ cho học sinh.

2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

Công tác bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ của giáo viên ngoại ngữ đạt kết quả còn thấp so với chỉ tiêu Kế hoạch NN 2011-2015 do nhiều nguyên nhân:

- Nhận thức ở một bộ phận giáo viên chưa đúng mức về tầm quan trọng của yêu cầu nâng chuẩn để đáp ứng yêu cầu của Đề án NNQG 2020, từ đó chưa chủ động trong tự bồi dưỡng.

- Sự chênh lệch giữa chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo giáo viên trước đây với chuẩn năng lực ngôn ngữ theo yêu cầu hiện nay; giáo viên phải tập trung giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, ít có điều kiện rèn luyện kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ; mặt khác, giáo viên ngoại ngữ trong tỉnh được đào tạo từ nhiều trình độ, phương thức khác nhau dẫn đến năng lực chuyên môn của nhiều giáo viên còn nhiều hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp nghe, nói.

- Từ năm 2011 đến năm 2014, việc bồi dưỡng nâng chuẩn ngôn ngữ được đánh giá theo chứng chỉ FCE của trường Đại học Cambridge, theo Khung năng lực ngôn ngữ châu Âu (CEF) do giai đoạn này Bộ GDĐT cũng chưa ban hành Khung năng lực 6 bậc cho Việt Nam. Với Khung năng lực châu Âu, độ khó và độ đánh giá khách quan cao hơn trong khi năng lực ngôn ngữ thực tế của giáo viên còn nhiều khiếm khuyết.

Việc chọn lựa cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện qua phương thức chào hàng cạnh tranh dẫn đến việc các cơ sở đào tạo có thương hiệu, uy tín, chất lượng không thể tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ do chi phí đề nghị của các cơ sở này cao.

Công tác quản lý, điều hành triển khai Kế hoạch 2011-2015 giai đoạn đầu còn gặp nhiều khó khăn, lúng lúng do chưa có sự hướng dẫn kịp thời của Bộ GDĐT (chọn lựa chuẩn bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên, mua sắm trang thiết bị, hướng dẫn về mô hình trường điển hình…).

Việc triển khai mua sắm các phòng dạy học ngoại ngữ, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ, học liệu cho dạy học ngoại ngữ đạt tỷ lệ thấp so với tổng số trường phổ thông trong tỉnh do phải tập trung kinh phí cho bồi dưỡng giáo viên.

Việc triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới ở cả 3 cấp học đạt kết quả thấp so với kế hoạch do thiếu giáo viên đạt chuẩn.

Công tác tham mưu quản lý, chỉ đạo dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp TH, THCS do thiếu cán bộ chuyên môn theo dõi ở các Phòng GDĐT. Chương trình, tài liệu dạy học còn chưa ổn định. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh còn nhiều bất cập so với mục tiêu dạy học do chỉ kiểm tra về kiến thức ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng).

II. KẾ HOẠCH NN 2016-2020

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học; phấn đấu đến năm 2020, giáo viên ngoại ngữ đạt được một bước tiến rõ rệt về năng lực chuyên môn; đa số học sinh tốt nghiệp THPT có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp trong học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá. Giáo viên ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thành thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu (CEF) và Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam.

Mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh từ cấp TH; đa dạng các loại ngoại ngữ 1, 2 được dạy học trong các trường phổ thông, ngoài tiếng Anh; tổ chức dạy ngoại ngữ 2 ở những trường có điều kiện về cơ sở vật chất, về giáo viên; giảng dạy một số môn khoa học bằng tiếng Anh ở trường THPT chuyên Bến Tre và một số trường điển hình của Đề án dạy học ngoại ngữ theo lộ trình quy định của Đề án NNQG 2020.

1.2. Mục tiêu cụ thể

[...]