Kế hoạch 218/KH-UBND năm 2022 thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tiếp tục triển khai Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 218/KH-UBND
Ngày ban hành 15/11/2022
Ngày có hiệu lực 15/11/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 15 tháng 11 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ VÀ TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2017/NĐ-CP NGÀY 18/7/2017 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 05/10/2022 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người và hậu quả nghiêm trọng do yếu tố chủ quan. Nâng cao hơn nữa ý thức, kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy, nổ và CNCH.

2. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ, tập trung rà soát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về công tác CNCH nhất là nội dung phòng ngừa sự cố, tai nạn tại các địa điểm, cơ sở trọng điểm. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác CNCH đối với các tình huống quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, đặc biệt bám sát một số nội dung xử lý cụ thể như: CNCH trong đám cháy; đuối nước; sạt lở đất đá; sập đổ công trình; tai nạn giao thông đường bộ, đường thuỷ,…

3. Quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác PCCC và CNCH. Nghiên cứu, quy hoạch, xây dựng, bố trí các đơn vị thực hiện công tác chữa cháy và CNCH theo hướng phủ kín các địa bàn trọng yếu, bảo đảm ứng phó, xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn và công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất trang bị phương tiện phù hợp yêu cầu công tác chữa cháy và CNCH.

4. Phát huy tốt phương châm “Bốn tại chỗ” trong hoạt động PCCC và CNCH, chuẩn bị điều kiện nhằm đảm bảo thống nhất về công tác chỉ huy trong mọi tình huống và đáp ứng yêu cầu hoạt động phù hợp mục tiêu “lực lượng tại chỗ tiếp cận ứng phó nhanh, các lực lượng xung quanh chi viện kịp thời”. Việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phải chủ động, tiến hành thường xuyên, toàn diện, sâu rộng, bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, thiết thực, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác PCCC và CNCH của lực lượng PCCC.

II. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác PCCC và CNCH(1). Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và trực tiếp phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trong phạm vi lãnh đạo quản lý của mình; tăng cường quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH tại địa phương; nếu ở đơn vị, địa phương nào để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện thì sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh và Nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH.

2. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nhất là kỹ năng để Nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH và tự bảo vệ mình. Phát huy vai trò của người dân trong việc tự bảo vệ cho chính mình, từ bảo vệ cho chính mình thì mới tham gia bảo vệ được cộng đồng, với tinh thần mình vì mọi người và mọi người vì mình.

3. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Thực hiện tổng kiểm tra, rà soát trên toàn tỉnh về an toàn PCCC và CNCH, tập trung vào các cơ sở đông người, khu vực nguy cơ cao về cháy, nổ như: Chung cư, nhà cao tầng, khu - cụm công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar,…Xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC và CNCH. Việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm minh, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong giám sát, kiểm tra.

4. Kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện, phương án chữa cháy, phương án CNCH. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH. Bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, hậu cần cho công tác PCCC và CNCH.

5. Tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và CNCH (giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn…). Khẩn trương hoàn thành lập quy hoạch hạ tầng PCCC tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Huy động nguồn lực hợp tác công tư, xã hội hoá để mua sắm trang thiết bị PCCC và CNCH.

6. Xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bố trí phù hợp lực lượng PCCC ở các địa bàn trọng điểm, mở rộng mạng lưới, bảo đảm bám địa bàn, bám cơ sở, bám người dân.

7. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công văn số 8818/UBND-NC ngày 14/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an theo quy định.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Công an tỉnh

- Là cơ quan thường trực, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác PCCC và CNCH; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác PCCC và CNCH trong phạm vi trách nhiệm quản lý.

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ tại Công văn số 8818/UBND-NC ngày 14/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên địa bàn toàn tỉnh; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an theo quy định.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, hoàn thành lập quy hoạch hạ tầng PCCC tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng thời lượng, khung giờ cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; kịp thời thông tin, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ, tuyên truyền các giải pháp, biện pháp PCCC và CNCH cơ bản, phổ thông cho người dân về bảo đảm an toàn PCCC như sử dụng điện, gas, hoá chất, giải pháp thoát nạn, thoát hiểm, ngăn cháy lan, ngăn khói khí độc khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tăng cường xây dựng các tác phẩm báo chí biểu dương gương người tốt, việt tốt của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Phối hợp với Sở Giáo dục vào Đào tạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; tổ chức huấn luyện, cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho các thành viên Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và CNCH phù hợp với đặc điểm, tình hình tại địa phương; hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, diễn tập, thực tập về công tác PCCC và CNCH.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng phương án chữa cháy của cơ quan Công an (Mẫu số PC18 ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) và phương án CNCH của Cảnh sát PCCC và CNCH (Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định số 83/2017/NĐ-CP) xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp cần phải huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, tổ chức tại địa phương và của Công an các địa phương lân cận tham gia chữa cháy, CNCH tại các cơ sở, địa bàn trọng điểm; tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an phê duyệt và tổ chức thực tập các phương án trên.

- Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp nhận và xử lý thông tin các vụ cháy, sự cố, tai nạn, yêu cầu CNCH; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, CNCH khi xảy ra các tình huống sự cố, tai nạn được quy định tại Điều 5 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; chủ động hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện, biện pháp, phương án, kế hoạch CNCH đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý; đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin về các sự cố, tai nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ CNCH trong các tình huống; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH đối với lực lượng PCCC trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC và CNCH; phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về chế độ, chính sách cho lực lượng chữa cháy và CNCH phù hợp tính chất công việc.

2. Sở Xây dựng

[...]