Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 218/KH-BCĐ389 năm 2015 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 do Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ban hành

Số hiệu 218/KH-BCĐ389
Ngày ban hành 01/12/2015
Ngày có hiệu lực 01/12/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Thương mại

BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 218/KH-BCĐ389

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

CAO ĐIỂM ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TỪ NAY ĐẾN TẾT NGUYÊN ĐÁN BÍNH THÂN - 2016

Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực, số vụ phát hiện, xử lý vi phạm tăng cao; các điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại một số địa bàn trọng điểm thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai,... bước đầu được kiềm chế; hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép than, khoáng sản, xăng dầu trên các vùng biển có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm đang còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại nhất là những tháng cuối năm 2015 và dịp Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016, tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe người dân.

Để chủ động ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016 (từ 01 tháng 12 năm 2015 đến 29 tháng 02 năm 2016) với các nội dung sau:

1. Mục đích, yêu cầu

a) Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

b) Phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán; các mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, như: Vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, pháo nổ, tài liệu phản động; các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo là những mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán.

c) Xác định và quy rõ trách nhiệm cho từng ngành, từng lực lượng và từng địa phương trong việc để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn, trên các lĩnh vực thuộc trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát.

d) Các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn và lĩnh vực quản lý phải nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016.

2. Nội dung

a) Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TT ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; Công điện số 90/CĐ-BCĐ389 ngày 13 tháng 7 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Công điện số 05/CĐ-BCĐ389 ngày 26 tháng 8 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ; Kế hoạch công tác năm 2015 số 02/KH-BCĐ389 ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

b) Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, các tuyến vận tải từ biên giới vào nội địa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.

- Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Công an, tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách nhập cảnh qua tuyến hàng không, cửa khẩu đường bộ, đường biển để phát hiện, ngăn chặn kịp thời vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, tài liệu phản động và các loại hàng hóa cấm khác,... góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

- Trên tuyến biển, lực lượng Cảnh sát biển chủ trì, phối hợp với các lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng và các cấp chính quyền địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát vùng biển hai khu vực trọng điểm: Vùng biển Đông Bắc và vùng biển Tây Nam. Các mặt hàng trọng điểm mà các đối tượng thường vận chuyển trên biển trong dịp tết, là: Hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc lá điếu, rượu bia, xăng dầu…. Tại các cảng biển, cảng sông quốc tế, lực lượng Hải quan chủ trì, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tăng cường đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào hàng cấm, hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô đã qua sử dụng, thuốc lá, bánh kẹo, thực phẩm,...

- Lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa, tăng cường kiểm tra, phát hiện các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng giả làm mất ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, thực phẩm tươi sống, thuốc lá, rượu, bia... Xác lập chuyên án đấu tranh, điều tra, triệt phá các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm từ khu vực biên giới đến các tụ điểm trong nội địa; tập trung phát hiện, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả để đưa ra truy tố, xét xử làm bài học răn đe cho các đối tượng khác.

- Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương và phối hợp với các cấp chính quyền cơ sở trong việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

c) Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương chủ động tiến hành các biện pháp kiểm tra, nắm tình hình tại các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán, sản xuất hàng giả. Trọng tâm: Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP; kiểm tra, đôn đốc công tác điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp, trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo, kiểm tra công tác tăng cường đấu tranh trong dịp Tết Nguyên đán; xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, đơn vị trong việc để xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và buôn bán, sản xuất hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách mà các đơn vị, các đoàn kiểm tra phát hiện, bắt giữ.

d) Tăng cường các công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp trên báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng ở cả Trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Công văn số 14/BCĐ389-VPTT ngày 29 tháng 5 năm 2015.

3. Tổ chức thực hiện

Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai lực lượng thực hiện các nội dung Kế hoạch và chịu trách nhiệm trên từng địa bàn cụ thể (tại Mục 2). Trong đó tập trung vào các nội dung sau:

a) Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm trong việc kiểm soát địa bàn cho từng lực lượng thuộc địa phương và các lực lượng Trung ương đóng tại địa phương, chính quyền cơ sở, cụ thể:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không; các đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, cảng hàng không nội địa,…

Địa bàn trọng điểm cần tập trung: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp,...

- Kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động nhập lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Thuốc lá, rượu, bia, nước ngọt, pháo nổ, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hàng tiêu dùng thiết yếu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện thoại di động, quần áo, các mặt hàng cấm khác như vũ khí, vật liệu nổ, ma túy, tài liệu phản động,...

- Chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, nhanh chóng điều tra, đề nghị truy tố, xét xử các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, kinh doanh hàng giả,... để kịp thời răn đe.

b) Bộ Công an:

Chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và Công an các địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình trên các địa bàn, tuyến trọng điểm, xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ, phối hợp với địa phương tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm lớn, có yếu tố nước ngoài; khẩn trương điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, các chủ đầu nậu để răn đe, trấn áp tội phạm nói chung trong đó có tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

[...]