Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2021 về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thành phố Hải Phòng (giai đoạn 2021-2025)

Số hiệu 216/KH-UBND
Ngày ban hành 23/09/2021
Ngày có hiệu lực 23/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 23 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG (GIAI ĐOẠN 2021-2025)

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 76/NQ-CP), Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước thành phố (giai đoạn 2021-2025) cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đạt mục tiêu chung được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP về: Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

b) Gắn mục tiêu cải cách hành chính với việc thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

c) Trong giai đoạn 2021-2025: Hải Phòng tiếp tục là một trong 10 địa phương đạt thứ hạng cao nhất về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); từng bước cải thiện Chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số phát triển Chính quyền số.

2. Yêu cầu:

a) Cụ thể hóa để thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ.

b) Các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận, huyện; cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn thành phố nhận thức đầy đủ, xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, thường xuyên. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

c) Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả trong cải cách hành chính của Trung ương, thành phố; đồng thời chủ động nghiên cứu, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để cải cách hành chính là khâu đột phá trong hoạt động quản lý của thành phố.

II. NỘI DUNG, MỤC TIÊU CHUNG

Cải cách hành chính nhà nước thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025 tập trung vào 06 nội dung chính: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; trong đó, trọng tâm là: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính để xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của thành phố và đất nước; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.

1. Cải cách thể chế

a) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thống nhất thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của thành phố, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của thành phố. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh; đẩy mạnh và hoàn thiện thể chế, cơ chế phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

b) Nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế của thành phố, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm.

c) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, có trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, thành phố trên tất cả các lĩnh vực; huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội vào xây dựng, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức, công dân trên địa bàn thành phố.

2. Cải cách thủ tục hành chính

a) Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

b) Đẩy mạnh phân cấp, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cải cách thủ tục hành chính.

3. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước

Triển khai có hiệu quả Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Nghị định số 120/2020/ND-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; các chương trình kế hoạch của thành phố về thực hiện các Nghị định của Chính phủ về rà soát, sắp xếp các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan hành chính trực thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và rà soát sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, trực thuộc các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

4. Cải cách chế độ công vụ

a) Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, thực tài.

b) Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố.

5. Cải cách tài chính công

a) Đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

[...]