Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2157/KH-UBND năm 2020 thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định 957/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 2157/KH-UBND
Ngày ban hành 23/11/2020
Ngày có hiệu lực 23/11/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Phong
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2157/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 23 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN ĐẾN NĂM 2030 PHÊ DUYỆT TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 957/QĐ-TTG NGÀY 06/7/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang diễn biến phức tạp, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân ven sông, ven biển. Triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất, ổn định dân sinh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cơ sở pháp lý

Căn cứ Luật Phòng, chống, thiên tai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư;

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020, phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 4986/BNN-PCTT ngày 28/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

2. Mục đích, yêu cầu

2.1. Mục đích

Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.

Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển; đến năm 2030 hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu trên các đoạn sông chính, nhất là khu vực các cửa sông, ven biển có diễn biến xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.

2.2. Yêu cầu

Công tác phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành chủ động và thường xuyên nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đến cộng đồng dân cư.

Nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

II. KHÁI QUÁT CHUNG TÌNH HÌNH SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH

1. Khái quát về đặc điểm địa hình, hệ thống sông ngòi.

Quảng Bình có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, hẹp bề ngang và dốc, nghiêng từ Tây sang Đông. Đại bộ phận địa giới hành chính trên đất liền là vùng đồi núi (chiếm trên 85% diện tích tự nhiên), đồng bằng nhỏ hẹp, đất lúa ít, đất nông lâm xen kẽ và bị chia cắt bởi nhiều sông suối dốc và chảy xiết.

Quảng Bình có 5 con sông đổ ra biển với tổng chiều dài 343km và diện tích lưu vực 7.980km2, lưu lượng dòng chảy tương đương 4 tỷ m3/năm. Trong đó có hai hệ thống sông lớn là hệ thống sông Gianh và hệ thống sông Nhật Lệ. Ngoài ra còn có các sông: Sông Roòn, sông Lý Hòa và sông Dinh.

- Sông Roòn dài 30km, chiều dài lưu vực 21km, diện tích lưu vực 261km2.

[...]