Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2020 thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định 957/QĐ-TTg do tỉnh Nam Định ban hành

Số hiệu 82/KH-UBND
Ngày ban hành 08/09/2020
Ngày có hiệu lực 08/09/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Phùng Hoan
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Nam Định, ngày 08 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN ĐẾN NĂM 2030 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 957/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 theo Quyết định số 957/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Nam Định như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, ổn định dân sinh là nhiệm vụ của các cấp, ngành, đặc biệt là của chính quyền địa phương, là trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn dân.

2. Phải chủ động phòng ngừa sạt lở; khi xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch phát triển của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là xây dựng các khu đô thị, dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng ven sông, ven biển phải đề phòng nguy cơ sạt lở và không làm tăng nguy cơ sạt lở. Khi xảy ra sạt lở phải tập trung ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả giảm thiểu thiệt hại.

3. Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển cần được thực hiện đồng bộ; xử lý cấp bách trước mắt, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, không làm tăng nguy cơ sạt lở, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển và tạo sinh kế cho người dân.

4. Phòng, chống sạt lở phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê từ cấp III trở lên, khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng, chống suy thoái rừng phòng hộ ven biển tại những khu vực xói lở nghiêm trọng không thể phục hồi.

5. Đề cao sự tham gia của cộng đồng đối với công tác quản lý bờ sông, lòng sông, vùng ven biển; tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nhất là của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lợi trong phòng, chống sạt lở.

6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường, dễ thi công, có thể sử dụng nhiều lần, giá thành phù hợp, kết hợp với giải pháp truyền thống. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, quản lý hiệu quả nguồn nước, giảm thiểu các yếu tố tác động gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.

- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

- Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

- Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về phòng, chống sạt lở nhằm giảm nguy cơ sạt lở, rủi ro do sạt lở.

- Cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn.

- Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ven sông, ven biển ảnh hưởng đến sạt lở (khai thác cát sỏi, xây dựng công trình, nhà cửa, hoạt động giao thông thủy, hoạt động khai thác nước ngầm).

- Hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo, kịp thời cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tăng cường hợp tác quốc tế.

- Xây dựng công trình tại các khu vực trọng điểm để phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng thiết yếu.

2. Giải pháp

a) Phối hợp rà soát, xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

[...]