Kế hoạch 12/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030

Số hiệu 12/KH-UBND
Ngày ban hành 20/01/2021
Ngày có hiệu lực 20/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Phạm Văn Thiều
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 12/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 20 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2030

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, ven sông. Để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030, gồm các nội dung chính như sau:

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013.

- Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006.

- Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017.

- Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều.

- Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.

- Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

- Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về việc phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc phê duyệt chương trình củng cố nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

- Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

- Quyết định số 03/2020/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

- Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.

- Quyết định số 628/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai đối với một số loại hình thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

- Quyết định số 224/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2020 - 2025.

- Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nâng cao trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan và các cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm thực triều cường gây ra, nhằm góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

2. Yêu cầu:

- Công tác phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành chủ động và thường xuyên nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra.

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đạt hiệu quả của các cấp, các ngành nhất là các địa phương.

[...]