Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 213/KH-UBND
Ngày ban hành 23/05/2024
Ngày có hiệu lực 23/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 899/QĐ-TTG NGÀY 31/7/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược); xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản số 842/SNV-CCVC ngày 04/5/2024 (sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương); trên cơ sở biểu quyết thống nhất của các Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh (lấy Phiếu qua Hệ thống TD), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó tập trung thu hút các ngành, lĩnh vực được xác định là tiềm năng, lợi thế đột phá của tỉnh như: khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số… Hướng tới mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, ổn định về xã hội, phát triển về văn hóa trong khu vực Bắc Trung Bộ, qua đó góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2025

- Triển khai có hiệu quả quy định của pháp luật về khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, trong đó tập trung các ngành, lĩnh vực được xác định là tiềm năng, mũi nhọn của tỉnh.

- Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc UBND tỉnh khoảng 10% so với số tuyển dụng công chức mới và khoảng 02% so với tổng số tuyển dụng viên chức mới[1].

2.2. Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

- Duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc UBND tỉnh khoảng 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng công chức mới và 05% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng viên chức mới.

- Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 05 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% nhân tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ được đào tạo, bồi dưỡng.

- Phấn đấu là một trong các tỉnh thực hiện thu hút nhân tài hiệu quả so với các tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới kết nối thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh.

3. Yêu cầu

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về nhân tài; thực hiện nghiêm và có trách nhiệm chính sách, pháp luật Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài.

- Việc thực hiện kế hoạch phải gắn với phục vụ, đáp ứng các chiến lược về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục,... trên địa bàn tỉnh.

- Chính sách trọng dụng nhân tài được thực hiện hiệu quả, đánh giá, tiến cử, tự tiến cử gắn với thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và tuân thủ đúng chủ trương của Đảng và của pháp luật, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

- Bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện kế hoạch bảo đảm tính khả thi, bền vững.

- Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài trên tất cả các ngành, lĩnh vực trong đó ưu tiên tập trung các ngành, lĩnh vực được xác định là tiềm năng, lợi thế đột phá của tỉnh và của địa phương, từ đó tạo ra động lực cho tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững.

- Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; có chính sách khen thưởng, tôn vinh, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm chính sách nhân tài.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới tư duy, nâng cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thường xuyên quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân về vị trí, vai trò, cống hiến và đóng góp to lớn của nhân tài; về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và đất nước.

- Lấy kết quả triển khai, thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là một trong các nội dung đánh giá đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

2. Triển khai hiệu quả quy định của pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài

Căn cứ quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, triển khai hiệu quả chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của tỉnh đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể: xác định đối tượng là nhân tài, tiêu chí, khung chính sách, chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý...

3. Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài

[...]