Kế hoạch 2127/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và t​ầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 2127/KH-UBND
Ngày ban hành 13/09/2024
Ngày có hiệu lực 13/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2127/KH-UBND

Gia Lai, ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với những nội dung như sau:

I. THỰC TRẠNG NGÀNH DƯỢC TỈNH GIA LAI

1. Kết quả đạt được

1.1. Đảm bảo cung ứng thuốc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh

- Trong thời gian qua, về cơ bản công tác cung ứng thuốc đủ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Thị trường thuốc cơ bản được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác điều trị, không để xảy ra tăng giá đồng loạt, đột biến. Nguồn thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

- Số cơ sở kinh doanh dược tăng lên rõ rệt, hiện nay toàn tỉnh có 15 cơ sở bán buôn thuốc, 1.006 cơ sở bán lẻ thuốc (trong đó có 278 nhà thuốc, 728 quầy thuốc) đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuốc thuận tiện hơn.

- Đảm bảo duy trì tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP), 100% cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc) đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc” (GPP).

- 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh triển khai kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực Dược được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

1.2. Tình hình sử dụng thuốc sản xuất trong nước

- Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh xây dựng danh mục thuốc đấu thầu với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước vẫn tiếp tục duy trì ở mức bình quân đối với tuyến huyện đạt 79%, tuyến tỉnh đạt 49%, một số đơn vị khám, chữa bệnh tuyến huyện sử dụng trên 90%.

1.3. Hoạt động dược lâm sàng đạt được một số kết quả bước đầu được ghi nhận

- Trong thời gian qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2020/NĐ-CP ngày 02/11/2020 quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đây là hành lang pháp lý vững chắc để đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đang từng bước triển khai xây dựng bộ phận dược lâm sàng, hoạt động dược lâm sàng ngày càng được quan tâm và phát triển nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sử dụng thuốc đúng, đủ và an toàn.

- Căn cứ Đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030” được ban hành theo Quyết định số 429/QĐ-UBND ngày 22/7/2023 của UBND tỉnh Gia Lai, năm 2024 tỷ lệ số dược sĩ đại học trên 10.000 dân năm 2024 đạt 01 dược sĩ/vạn dân.

1.4. Công tác kiểm soát chất lượng thuốc được đảm bảo

- Chất lượng thuốc đã được quản lý chặt chẽ và toàn diện ở tất cả các khâu từ bảo quản, lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường tiến hành thường xuyên, có nề nếp, nhờ đó tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong các năm gần đây được duy trì ở mức thấp dưới 2% trên tổng số mẫu lấy trên thị trường.

- Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh được duy trì và cải tiến hệ thống quản lý phòng thí nghiệm theo nguyên tắc “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc” (GLP) và tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.

1.5. Công tác phát triển công nghiệp dược, dược liệu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, chế biến dược liệu

- Gia Lai có môi trường thiên nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc nuôi trồng và phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm. Đây là một tiềm năng lớn của tỉnh trong việc phát triển kinh tế, đồng thời cũng là nguồn lực lớn cung cấp dược liệu và thuốc chữa bệnh Y học cổ truyền phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong địa bàn tỉnh.

- Cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU; ngày 13 tháng 5 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, tổng diện tích dược liệu trên địa bàn tỉnh là 7.798,8 ha, đạt mục tiêu đề án đề ra; có 55 sản phẩm dược liệu OCOP (gồm: 09 sản phẩm 4 sao, 46 sản phẩm 3 sao); có 04 cơ sở chế biến dược liệu, gồm: Cụm Nhà máy chế biến dược liệu thực phẩm Trường Sinh và Dự án Nghiên cứu, hoàn thiện đổi mới công nghệ sản xuất chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa - thành phố Pleiku của Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh; Nhà máy chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa - thành phố Pleiku của Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai; Nhà máy chiết xuất tinh chất hoa hòe, dược liệu tại Cụm Công nghiệp An Khê - thị xã An Khê; Nhà máy chế biến dược liệu và nông sản Tây Nguyên tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang.

- Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, chế biến dược liệu. Tỉnh đã đặt hàng triển khai 06 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiên cứu và phát triển các loài dược liệu quý, có giá trị cao, như: Thiên môn chùm, Sâm Hàn Quốc, Hồng đẳng sâm... đây là những loài cây dược liệu có giá trị cao trên thị trường hiện nay; triển khai 03 nhiệm vụ cấp cơ sở liên quan đến cây dược liệu tại địa phương để nghiên cứu khảo nghiệm các loài cây dược liệu phù hợp với điều kiện tại địa phương; đồng thời, với sự hỗ trợ của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng triển khai 04 nhiệm vụ cấp bộ, cấp quốc gia; nghiệm thu 02 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình quỹ gen.

2. Hạn chế, tồn tại

2.1. Việc đảm bảo tiếp cận thuốc bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện một số chính sách liên quan như mua sắm đấu thầu, thanh toán BHYT

Vướng mắc liên quan đến công tác mua sắm đấu thầu làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng thuốc như: Tổ chức lựa chọn nhà thầu theo nhiều cấp, sự bất cập về thông tin trên trang Web của Cục Quản lý Dược, hiện tượng đứt hàng từ phía nhà thầu, giá thuốc đấu thầu đối với thuốc nội quá thấp và chênh lệch quá cao so với thuốc ngoại đã tạo nên e ngại cho bác sỹ khi kê đơn....

2.2. Thiếu hụt nhân lực cho phát triển lĩnh vực dược lâm sàng

Triển khai công tác dược lâm sàng chính là yếu tố then chốt để thực hiện sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả tại các bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện công tác này. Nhân lực dược làm công tác dược lâm sàng tại các cơ sở điều trị còn yếu, thiếu, thường là cán bộ kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên sâu, nên việc can thiệp vào chỉ định thuốc của bác sỹ còn hạn chế.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ