Kế hoạch 3040/KH-UBND năm 2022 về phát triển công nghiệp dược, dược liệu tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 3040/KH-UBND
Ngày ban hành 24/12/2022
Ngày có hiệu lực 24/12/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Nguyễn Thị Thanh Lịch
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3040/KH-UBND

Gia Lai, ngày 24 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC, DƯỢC LIỆU TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2045

Thực hiện Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP DƯỢC, DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI.

1. Thực trạng ngành công nghiệp dược, dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có nhà máy sản xuất dược phẩm, tình hình trồng cây dược liệu của Gia Lai tuy có phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên phần lớn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa trồng, thu mua, sơ chế, chế biến trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu.

- Trong những năm qua, các địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng dược liệu; đến thời điểm hiện nay tổng diện tích dược liệu trên địa bàn tỉnh là 3.987,5 ha, tăng 3.001,97 ha so với năm 2020 (985,53 ha), cụ thể: Dược liệu trồng trên đất nông nghiệp khoảng 3.030,6 ha, tăng 2.305,67 ha so với năm 2020 (724,93 ha); trong đó: Đinh lăng 747,5 ha, Nghệ 465,5 ha, Gừng 362,4 ha, Lan kim tuyến 01 ha; Sa nhân 68 ha, Sâm bố chính 40,3 ha; Sâm đương quy 73,1 ha, Đẳng sâm 5,6 ha, Sả 418,2 ha, Cà gai leo 90,7 ha, Đan sâm 06 ha; Sa chi 105,9 ha, Nhàu 12 ha, Gấc 39,5 ha, Hà Thủ ô 17,4 ha và dược liệu khác 577,5 ha phân bố tại thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Đak Pơ, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Pưh (có Phụ lục 1 kèm theo).

- Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã phát triển một số mô hình trồng dược liệu có hiệu quả, cụ thể như sau:

+ Mô hình trồng Sâm bố chính của Hợp tác xã nông nghiệp Dược Liệu Quang Vinh tại thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang cho năng suất 06 tấn tươi/ha, giá thu mua 100.000 đồng/kg tươi, lợi nhuận khoảng 335 triệu đồng/ha.

+ Mô hình trồng cây hoa Hòe tại xã Yang Trung, huyện Kông Chro với diện tích 21 ha; mật độ khoảng 1.000 cây/ha, kinh phí đầu tư khoảng 250 triệu/ha/năm. Hiện vườn đang cho thu hoạch khoảng 05 ký hoa khô/cây, với giá thu mua khoảng 150.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha.

+ Mô hình trồng Cà gai leo tại xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro với diện tích 1,5 ha, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 140 triệu đồng/ha, năng suất khoảng 10 tấn khô/ha. Sản phẩm được Công ty Cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai bao tiêu với giá 20.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha.

- Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 03 cơ sở chế biến dược liệu, cụ thể:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh đã đầu tư xây dựng Cụm Nhà máy chế biến dược liệu thực phẩm Trường Sinh và Dự án Nghiên cứu, hoàn thiện đổi mới công nghệ sản xuất chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa - thành phố Pleiku. Nhu cầu nguyên liệu của công ty cần khoảng 15.000 tấn dược liệu/năm, gồm các loại dược liệu chính như: Đinh lăng, Đương quy, Sâm bố chính, Sâm dây, Diệp hạ châu, Atisô, Cỏ sướt, Lô hội...

+ Công ty Cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến dược liệu tại Khu Công nghiệp Trà Đa - thành phố Pleiku, với công suất 500 triệu viên thực phẩm chức năng/năm và 500 tấn cao dược liệu/năm. Nhu cầu nguyên liệu của Nhà máy cần khoảng 4.000 tấn dược liệu/năm, gồm các loại dược liệu chính như: Cà gai leo, Đương quy, Đẳng sâm, Đinh lăng, Hà thủ ô đỏ, Thiên môn đông, Cát cánh, Nhân trần, Xạ đen, Linh chi, Thảo quyết minh, Diệp hạ châu...

+ Nhà máy dược liệu tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp huyện Chư Păh với công suất 890 tấn dược liệu/năm.

2. Thuận lợi.

- Công tác phát triển công nghiệp dược, dược liệu đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương quan tâm và đã ban hành chủ trương, cơ chế chính sách: Quyết định 1976/QĐ- TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trồng, phát triển nuôi, trồng, khai thác dược liệu... Đặc biệt, ngày 03/7/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (Khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Gia Lai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, có nhiều sông suối nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, có tiềm năng phát triển nhiều loại cây dược liệu bản địa. Môi trường thiên nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc nuôi trồng và phát triển nhiều loại dược liệu quý hiếm. Tài nguyên rừng Gia Lai rất đang dạng và phong phú, đa dạng sinh học về thực vật và động vật. Theo kết quả Đề tài "Đánh giá tài nguyên, đặc điểm phân bố, đề xuất giải pháp bảo tồn phát triển bền vững cây dược liệu bản địa ở tỉnh Gia Lai" do Trường đại học Khoa học - Đại học Huế thực hiện năm 2005, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã điều tra và thống kê được 573 loài cây dược liệu, trong đó có 21 loài là thực vật quý hiếm được ghi nhận trong sách Đỏ Việt Nam, 30 loài cây dược liệu chính được sử dụng rộng rãi, có giá trị kinh tế như Sa nhân, Ba Kích, Bách bộ, Hoàng đằng, Cam thảo dây, Địa liền, Lan kim tuyến, Hà thủ ô, Ngũ Gia bì, Kim tiền thảo, Nghệ đen….

- Thị trường tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu rất lớn do truyền thống phòng và chữa bệnh bằng y học cổ truyền có từ lâu đời của Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng.

3. Khó khăn.

- Hiện tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có nhà máy sản xuất dược phẩm, phát triển trồng cây dược liệu của Gia Lai vẫn chưa thật sự được đánh thức; việc phát triển diện tích còn manh mún, mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình là chủ yếu; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa trồng, thu mua, sơ chế, chế biến trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu.

- Dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể: Dược liệu được trồng lẫn với vùng trồng hoa màu khác; Kỹ thuật trồng và chăm sóc các cây dược liệu chủ yếu theo kinh nghiệm; Việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới… còn tùy tiện. Điều này không những gây ảnh hưởng tới môi trường mà còn ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu.

- Vùng trồng dược liệu liệu trong cộng đồng hiện đã bị thu hẹp đáng kể, thậm chí một số vùng trồng cây dược liệu truyền thống đã không còn. Nhiều cây dược liệu đang có xu hướng bị lãng quên. Công tác tuyển chọn giống cây dược liệu chưa được quan tâm và thiếu chuyên gia nên năng suất và chất lượng chưa tốt;

- Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến dược liệu chưa được chú trọng nên chất lượng sản phẩm dược liệu Gia Lai chưa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.

4. Nguyên nhân của những khó khăn

- Gia Lai có xuất phát điểm kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nhân dân vào công nghiệp dược, dược liệu còn rất hạn chế. Thị trường tiêu thụ dược phẩm, dược liệu còn thiếu ổn định. Chính sách về phát triển công nghiệp dược, dược liệu chưa được triển khai đồng bộ và triệt để; việc hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất dược phẩm, dược liệu còn nhiều hạn chế.

- Hoạt động nghiên cứu khoa học mặc dù bước đầu đã có những kết quả khích lệ, nhất là ứng dụng trong phát triển dược liệu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế; chưa có sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh dược liệu trong tỉnh nên chưa phát huy được các kết quả của nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây dược liệu, kỹ thuật nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gien cây dược liệu, tiêu chuẩn hóa, sản xuất thành phẩm chưa được quan tâm và đầu tư đủ mạnh...

II. QUAN ĐIỂM

[...]