Kế hoạch 172/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 172/KH-UBND
Ngày ban hành 20/09/2024
Ngày có hiệu lực 20/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Thiên Văn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 172/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 20 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 388/QĐ-BYT ngày 20/2/2024 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1165/QĐ- TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Chiến lược), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 09/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới.

2. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của công chức, viên ch ức trong ngành y tế nhằm từng bước phát triển ngành Dược của tỉnh. Tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược.

3. Xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, bám sát nội dung của Chiến lược và các chủ trương, định hướng, chính sách, quy định hiện hành, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế đặt ra; phát huy được thế mạnh nguồn nhân lực sẵn có; triển khai thường xuyên, lâu dài, có tính kế thừa và đổi mới.

4. Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục tiêu của Chiến lược; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ, mang tính khả thi; gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển tổng thể ngành Dược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển ngành y tế theo từng giai đoạn, nhằm cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng cho người dân với mức chi phí hợp lý phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và nhu cầu khẩn cấp khác; chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa; phát triển dược liệu; tối ưu hoá việc sử dụng thuốc. Từ đó góp phần cho ngành Y tế Đắk Lắk thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2030

- Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

- Duy trì tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam trên tổng số tiền thuốc sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế: Tuyến tỉnh đạt 50%; tuyến huyện (bao gồm cả sử dụng thuốc tại trạm y tế xã) đạt 75%.

- Duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc” (GDP); 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP); 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuân thủ "Thực hành tốt bảo quản thuốc" (GSP); Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tiếp tục duy trì phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc" (GLP), nâng cao năng lực, hướng tới phát triển Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thành Trung tâm Kiểm nghiệm vùng Tây Nguyên.

- 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng. Tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 01 người/100 giường bệnh nội trú và 02 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.

- 100% cơ sở bán buôn và bán lẻ thuốc đảm bảo kết nối liên thông với Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực Dược được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

- Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó, dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.

- Trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu, tiến hành quy hoạch vùng nuôi trồng dược liệu trong toàn tỉnh nhằm bảo tồn và khai thác bền vững các dược liệu bản địa; di thực trồng thử nghiệm một số dược liệu có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao; hình thành 01 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

b) Mục tiêu định hướng đến năm 2045.

- Tiếp tục duy trì 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.

- Duy trì và phát triển diện tích nuôi trồng dược liệu, vừa đáp ứng một phần nhu cầu khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của tỉnh, vừa là sản phẩm hàng hóa đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận Nhân dân.

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.

III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách

a) Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách ưu đãi về sử dụng đất cho quy hoạch và phát triển dược liệu, ưu tiên nguồn ngân sách từ sự nghiệp khoa học công nghệ cho nghiên cứu phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc (GACP); đưa việc phát triển dược liệu thành một trong những lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

b) Xây dựng cơ chế chính sách, bố trí ngân sách cho đào tạo dược sĩ sau đại học, đặc biệt là dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng.

[...]