Kế hoạch 201/KH-UBND năm 2020 về phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030

Số hiệu 201/KH-UBND
Ngày ban hành 16/10/2020
Ngày có hiệu lực 16/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Hùng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/KH-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ, GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2021 ĐẾN 2030

I. Căn cứ pháp lý:

- Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050;

- Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/ 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KT-XH thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 29/6/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020;

- Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”;

- Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về việc ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải;

- Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 04/6/2020 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

- Thông báo số 1135/TB-UBND ngày 27/9/2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc Kết luận của tập thể UBND Thành phố xem xét về việc ban hành Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn Thành phố và Thông báo số 352/TB-UBND ngày 08/9/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kết luận của tập thể Ủy ban nhân dân Thành phố tại cuộc họp xem xét ban hành Kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

II. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Xác định số lượng và cơ cấu phương tiện vận tải hành khách công cộng (sau đây viết tắt là VTHKCC) phù hợp với chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Chính phủ, Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 của HĐND Thành phố Hà Nội và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; Lộ trình và tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả và khả thi.

2. Yêu cầu

a) Xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện và mạng lưới VTHKCC theo từng giai đoạn, đảm bảo VTHKCC đáp ứng chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận theo các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố; đảm bảo kết nối đến các khu vực tập trung dân cư (khu đô thị, khu công nghiệp ...), các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện ngoại thành, các trung tâm phát triển kinh tế - xã hội; kết nối thuận tiện với các đầu mối giao thông và giữa các loại hình, phương thức vận tải.

b) Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đạt tới mục tiêu đến năm 2030 đạt tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt đạt tỷ lệ khoảng 80%÷90% tại khu vực trung tâm Thành phố.

c) Phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện các giải pháp đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đảm bảo các mục đích, yêu cầu đặt ra.

III. Nội dung và giải pháp

1. Hiện trạng phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố

Hệ thống VTHKCC trên địa bàn Thành phố bao gồm các loại hình xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), xe du lịch, xe tuyến cố định và các loại hình vận tải khác (xe ôm, xe ôm công nghệ, xe điện, xích lô, vận tải đường thủy nội địa,...). Hệ thống VTHKCC khối lượng lớn hiện nay đang trong quá trình đầu tư xây dựng, trong đó tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, hiện đang trong quá trình nghiệm thu kỹ thuật; tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội dự đã hoàn thiện khoảng 60%, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.

Năm 2019, sản lượng VTHKCC đạt 949 triệu lượt, đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại của nhân dân, trong đó:

- Xe buýt: 1.952 xe đáp ứng 8,7% nhu cầu đi lại

- Xe taxi: 19.265 xe đáp ứng 1,97% nhu cầu đi lại

- Xe hợp đồng, du lịch: 57.383 xe (trong đó 38.853 xe dưới 09 chỗ) đáp ứng 3,35% nhu cầu đi lại.

- Xe tuyến cố định: 925 xe (của các đơn vị có trụ sở, trụ sở chi nhánh đóng trên địa bàn Thành phố) đáp ứng 1,13% nhu cầu đi lại.

- Các loại hình VTHKCC khác đáp ứng 1,88% nhu cầu đi lại.

[...]