Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 201/KH-UBND năm 2017 thực hiện “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020”

Số hiệu 201/KH-UBND
Ngày ban hành 12/09/2017
Ngày có hiệu lực 12/09/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Văn Quý
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/KH-UNBD

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “XÃ HỘI HÓA CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI VÀ DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SINH SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Thực hiện Quyết định số 818/QĐ-BYT, ngày 12/3/2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đ án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khoẻ sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020; Công văn số 3421/BYT-TCDS ngày 27/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/hàng hóa sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển; Quyết định số 2350/QĐ-BYT ngày 07/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng và thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản theo phân khúc thị trường giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2351/QĐ-BYT ngày 07/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Dự án “Xây dựng và thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở Y tế đủ điều kiện giai đoạn 2016 - 2020; UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa sức khỏe sinh sản và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình/Sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình (Dân số - KHHGĐ); huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bảo đảm cung cấp đầy đủ PTTT để duy trì mức sinh thay thế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

Mục tiêu 1. Đa dạng hóa các PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường, chú trọng vào các PTTT hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả. Đảm bảo mỗi loại PTTT, hàng hóa chăm sóc KHHGĐ/SKSS có ít nhất từ 02 đến 03 chủng loại khác nhau được đưa vào cung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mục tiêu 2. Tăng cường tiếp cận dịch vụ cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS của người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

- 100% Trung tâm Dân số - KHHGĐ các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT và hàng hóa chăm sóc SKSS.

- 100% các cơ sở y tế công lập (Trung tâm Y tế, khoa phụ sản các Bệnh viện trên địa bàn Thành phố, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn); 40% các cơ sở Y tế ngoài công lập có khoa phụ sản trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo quy định.

- 60% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tham gia thực hiện xã hội hóa các PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

- 100% người cung cấp PTTT, hàng hóa SKSS được tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn, tiếp thị, bảo quản, phân phối sản phẩm; cơ sở y tế cung cấp dịch vụ được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Mục tiêu 3. Tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo, các Sở, ban, ngành đoàn thể và sự chuyển đổi hành vi của các nhóm khách hàng trong việc thực hiện xã hội hóa cung cấp các PTTT và dịch vụ KHHGĐ theo phân khúc thị trường.

90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin kiến thức, tài liệu về xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng PTTT và hàng hóa KHHGĐ/SKSS trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp/tổ chức/tư nhân thuộc các thành phần kinh tế theo phân khúc thị trường

- Triển khai nguồn cung cấp các PTTT và hàng hóa SKSS theo kênh của Trung ương.

- Khuyến khích, huy động các doanh nghiệp/tổ chức/tư nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia nhập khẩu, phân phối, cung ứng PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS.

2. Nâng cao chất lượng và số lượng các chủng loại PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường

- Lựa chọn, đưa vào thị trường chủng loại PTTT phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân.

- Đánh giá khả năng tiếp cận, sự chấp nhận các sản phẩm PTTT của người dân.

3. Tăng cường quản lý chất lưng PTTT, các sản phẩm chăm sóc KHHGĐ/SKSS

Nghiên cứu, bổ sung văn bản, hướng dẫn về quản lý, lưu thông, phân phối sản phẩm PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các nhóm đối tượng tham gia sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và phân phối hàng hóa.

4. Tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ hệ thống cung cấp, phân phối PTTT, các sản phẩm chăm sóc SKSS và cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS

- Sở Y tế thành lập Ban Quản lý thực hiện xã hội hóa (cấp Thành phố) để chỉ đạo, điều hành và tăng cường phối hợp liên ngành thực hiện kế hoạch.

[...]