Kế hoạch 5237/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình/Sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018-2020

Số hiệu 5237/KH-UBND
Ngày ban hành 13/12/2017
Ngày có hiệu lực 13/12/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Văn Bình
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5237/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI VÀ DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SINH SẢN TẠI KHU VỰC THÀNH THỊ VÀ NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN TỈNH NINH THUẬN, GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Thực hiện Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020”;

Thực hiện Công văn số 3421/BYT-TCDS ngày 27/5/2015 của Bộ Y tế về triển khai xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển; Công văn số 3604/BYT-TCDS ngày 26/6/2017 của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản;

Căn cứ Kế hoạch số 16-KH/TU ngày 17/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017 - 2020;

Căn cứ Kế hoạch hành động số 1289/KH-UBND ngày 11/05/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thực hiện Nghị quyết số 47/NQ/TW ngày 22/03/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Kế hoạch số 2960/KH-UBND ngày 26/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển khai thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 04/01/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Đề án tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình/Sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2018 - 2020 như sau:

I. THỰC TRẠNG CHUNG VỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI HÓA PTTT VÀ DỊCH VỤ KHHGĐ/SKSS

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế - dân số, trong đó có cung cấp PTTT dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Năm 2016, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,04%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 14,2%, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 68,5%, tỷ số giới tính khi sinh là 107,7 bé trai/100 bé gái (kế hoạch là không vượt quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái).

Tính đến nay, toàn tỉnh có 47.874 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 tuổi áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT), trong đó: Trung bình khoảng 20 - 30% đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng ưu tiên được cấp PTTT miễn phí, số còn lại đối tượng tự chi trả và trên thực tế còn rất nhiều đối tượng có nhu cầu sử dụng BPTT nhưng chưa được đáp ứng. Hiện nay, ngân sách chương trình mục tiêu Y tế - Dân số hàng năm bị cắt giảm và phân bổ về tỉnh chưa kịp thời để triển khai các hoạt động, Chính phủ có chủ trương chuyển dịch mạnh mẽ từ bao cấp sang xã hội hóa các PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Đồng thời hướng dẫn các tỉnh, thành phố chủ động điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu BPTT phù hợp với nhu cầu của địa phương, huy động và cân đối các nguồn ngân sách để đảm bảo chi phí dịch vụ KHHGĐ, tổ chức thu phí dịch vụ KHHGĐ nhằm huy động đóng góp của đối tượng có nhu cầu góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Trung ương và địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 71/2016/NQ-HĐND ngày 29/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017 - 2020, năm 2017 ngoài ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã chi hỗ trợ mua PTTT cấp cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời triển khai đẩy mạnh điều phối PTTT và cung ứng dịch vụ KHHGĐ, triển khai tiếp thị và xã hội hóa PTTT, thực hiện chính sách xã hội hóa công tác dân số - y tế của nhà nước, chủ động, tích cực huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho chương trình trong thời gian tới.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc:

- Quan niệm và thói quen được Nhà nước “bao cấp” PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong thời gian dài, trong khi chỉ ưu tiên cấp miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng và xã hội. Nhưng công tác xã hội hóa của tỉnh chưa triển khai chính thức trong hệ thống y tế công lập nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

- Việc thiếu hụt các PTTT trong Chương trình Y tế - Dân số có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay sinh con ngoài ý muốn, tăng số trường hợp phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng có mức sinh cao và chưa ổn định. Tình trạng này sẽ tạo ra gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội, đồng thời tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội.

- Ngân sách nhà nước đầu tư mua PTTT chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thời gian tới, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ ngày càng bị cắt giảm mạnh, trong khi nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng.

Từ thực tế trên, việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS là cần thiết, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, phát triển bền vững chương trình và mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Mặt khác, thực hiện xã hội hóa nhằm hướng tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân thuận lợi, công bằng và chất lượng cao, trong đó có việc đầu tư quản lý của nhà nước, đồng thời người dân có trách nhiệm và đồng thuận tự nguyện chi trả một phần chi phí dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS - KHHGĐ; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho chương trình Dân số/SKSS/KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 100% cấp huyện có cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

- 100% cấp xã tại địa bàn triển khai Kế hoạch có cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS.

III. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi, địa bàn triển khai

Tất cả xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, ngoại trừ các xã đặc biệt khó khăn tại Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.

[...]