Kế hoạch 1991/KH-UBND về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 và các năm tiếp theo của tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1991/KH-UBND
Ngày ban hành 10/09/2018
Ngày có hiệu lực 10/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Võ Ngọc Thành
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1991/KH-UBND

Gia Lai, ngày 10 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH NĂM 2018 VÀ CÁC NĂM TIẾP THEO CỦA TỈNH GIA LAI

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-HĐND, ngày 12/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ Sáu về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2016, 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 12/7/2018).

Theo kế hoạch của các sở, ngành, địa phương đã xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch hành động nhằm nâng cao nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

- Cải thiện theo hướng tích cực chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị có liên quan đến từng chỉ số con thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh - PCI của tỉnh Gia Lai. Qua đó, từng bước phấn đấu đưa chỉ số chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai vào nhóm đầu của cả nước.

- Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai là việc làm của tất cả các sở, ngành, địa phương, của từng tập thể, cá nhân các cán bộ, công chức, viên chức và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

- Các sở, ngành, địa phương căn cứ vào tiêu chí phấn đấu UBND tỉnh đã ban hành kèm theo kế hoạch này, khẩn trương xây dựng các giải pháp cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Không đùn đẩy trách nhiệm giữa các sở, ngành, địa phương.

- Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai (thuộc trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai).

II. Bảng tổng hợp chỉ tiêu phấn đấu từng chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Gia Lai của các sở, ban, ngành, địa phương: (có phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này).

III. Kế hoạch thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh:

Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tập trung vào các công việc mang tính đột phá như sau:

1. Tập trung cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (giao Sở Nội vụ thường xuyên theo dõi, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh):

- Nâng cao chất lượng giải quyết công việc một cách có hiệu quả của từng cán bộ, công chức, viên chức với thái độ thân thiện. Chuyển nhận thức và hành động hàng ngày từ “quản lý doanh nghiệp” sang “đồng hành cùng doanh nghiệp” và phương châm “thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”. Xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo thuận lợi tối đa và chuyển dần sang cơ chế ưu tiên phục vụ doanh nghiệp. Công khai quy trình và công chức có trách nhiệm xử lý hồ sơ, kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ công chức, viên chức để đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính so với quy định của Chính phủ. Không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục. Phí và lệ phí được công khai. Rà soát loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ, công việc.

- Các sở, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai công tác đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo thực chất, khách quan trong việc thực hiện các thủ tục hành chính của đơn vị.

- Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động phải đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính và xem đây là giải pháp mang tính đột phá về cải cách hành chính của tỉnh.

- Sở Nội vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương (kể cả cấp xã, phường, thị trấn) trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm đối với công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ chậm, dẫn đến trả kết quả trễ hạn và tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính để nhân dân biết và giám sát.

2. Nâng cao hiệu quả thực thi của các sở, ngành, địa phương (giao Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh):

- Các sở, ngành, địa phương bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh; chủ động giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền. Chủ động báo cáo kết quả về Văn phòng UBND tỉnh theo tháng).

3. Giảm việc thanh tra, kiểm tra đối với Doanh nghiệp (giao Thanh tra tỉnh thường xuyên theo dõi, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh):

- Tuân thủ kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp của tỉnh ban hành hàng năm. Doanh nghiệp có quyền từ chối các cuộc thanh tra, kiểm tra không có trong kế hoạch hàng năm của tỉnh và các cuộc thanh tra, kiểm tra trùng với kế hoạch thanh tra, kiểm tra do Trung ương phê duyệt.

- Các cơ quan có chức năng về công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

4. Chấm dứt tình trạng chi phí không chính thức (giao Thanh tra tỉnh thường xuyên theo dõi, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh):

- Người dân và doanh nghiệp có trách nhiệm phản ánh hoặc tố cáo các cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, nhũng nhiễu, đòi hỏi chi phí không chính thức (đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, nhà đất, quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự).

[...]