Kế hoạch 298/KH-UBND về triển khai Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2018

Số hiệu 298/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2018
Ngày có hiệu lực 19/06/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Nguyễn Bốn
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 19 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH (PCI) TỈNH ĐẮK NÔNG NĂM 2018

Triển khai thực hiện Quyết định số 475/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 của UBND tỉnh, về việc phê duyệt Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2020. Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đắk Nông năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện năm 2018 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH (PCI) TỈNH ĐẮK NÔNG

1. Một số kết quả đạt được:

- Trên cơ sở Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI đã được UBND tỉnh ban hành, các đơn vị đầu mối đã xây dựng Kế hoạch cải thiện chỉ số thành phần được giao phụ trách và chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện.

- Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết thông qua các Hội nghị đối thoại, các buổi tiếp làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, Cà phê doanh nhân và qua các đoàn kiểm tra.

- Tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh được doanh nghiệp đánh giá cao; công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng được chú trọng, nhiều hội chợ thương mại, triển lãm đã được tổ chức tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, chất lượng công tác đào tạo tập huấn cho doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.

- Các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đã được triển khai tích cực; chính sách về thu hút đầu tư được điều chỉnh, bổ sung theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư; chỉ số tiếp cận đất đai, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được cải thiện đáng kể, các dịch vụ công trực tuyến, quy trình giải quyết công việc theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được áp dụng rộng rãi.

2. Tồn tại, hạn chế:

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, môi trường kinh doanh và thực trạng công tác cải thiện chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn một số tồn tại hạn chế, cụ thể như:

- Qua kết quả chấm điểm chỉ số PCI năm 2017 thì có 5 chỉ số giảm điểm, với tổng điểm 3,68 điểm, trong khi đó tổng các chỉ số giảm điểm năm 2016 là 0,83 điểm. Các chỉ số giảm điểm nhiều trong năm 2017, gồm: Chi phí gia nhập thị trường -1.33 điểm, giảm 18 bậc; Tính minh bạch giảm -0.07 điểm, giảm 5 bậc; Chi phí thời gian giảm -0.85 điểm, giảm 29 bậc; Chi phí không chính thức giảm -1.25 điểm, giảm 32 bậc; Thiết chế pháp lý giảm -0.18 điểm, giảm 6 bậc. Chỉ số có cải thiện đáng kể là: Tiếp cận đất đai tăng +1.07 điểm, tăng 18 bậc; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh tăng +0.87 điểm, tăng 6 bậc.

- 02/10 chỉ số thành phần và 35/104 chỉ số phụ đạt mục tiêu đề ra, gồm: Tiếp cận đất đai (Sở Tài nguyên và môi trường làm đầu mối thực hiện) và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện); Có 8/10 chỉ số thành phần và 69/104 chỉ số phụ không đạt kế hoạch đề ra, gồm: Chi phí gia nhập thị trường và Cạnh tranh bình đẳng (Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối thực hiện); Tính minh bạch (Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện); Chi phí thời gian (Sở Nội vụ làm đầu mối thực hiện); Chi phí không chính thức (Thanh tra tỉnh làm đầu mối thực hiện); Tính năng động tiên phong của lãnh đạo (Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối thực hiện); Đào tạo lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối thực hiện) và Thiết chế pháp lý (Sở Tư pháp làm đầu mối thực hiện).

- Không duy trì được đà tăng điểm để tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng PCI (những chỉ số thành phần giảm điểm năm 2016 lại tăng năm 2017; những chỉ số tăng điểm năm 2016 lại giảm năm 2017), điều này cho thấy các cơ quan được giao làm đầu mối, những cơ quan được giao cải thiện chỉ số phụ chưa quan tâm đúng mức trong việc cải thiện và có sự chủ quan trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu mà UBND tỉnh giao.

- Có 19/24 chỉ số phụ mới được doanh nghiệp đánh giá không tốt (thấp hơn điểm trung vị), trong đó có một số chỉ số như: Việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi và nhanh chóng (31,03%, trung vị: 28,57%); Các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh (77,27%, trung vị: 83,33%); Thông tin mời thầu được công khai (33,33%, trung vị: 50%); Doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan nhà nước của tỉnh cung cấp (62,96%, trung vị: 71,43%); Nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp (16.85%, trung vị: 13.46%); Doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức (CPKCT) cho cán bộ thanh, kiểm tra (59.79%, trung vị: 51.85%); Doanh nghiệp có chi trả CPKCT trong thực hiện TTHC đất đai (36.36%, trung vị: 32.00%); Chi trả CPKCT là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu (57.45%, trung vị: 54.90%); DN hài lòng với phản hồi/cách giải quyết của cơ quan nhà nước tỉnh (65%, trung vị: 76.67%); Doanh nghiệp bị mất trộm tài sản năm qua (23.47%, trung vị: 13.59%); Phải trả tiền bảo kê cho băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn (6.98%, trung vị: 2.86%).

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu

- Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng với thời gian nhanh nhất nhằm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và xây dựng bộ máy chính quyền “Liêm chính, kiến tạo, hành động, hiệu quả”.

- Phấn đấu năm 2018 tăng 3-5 bậc so với năm 2017; cải thiện và nâng dần điểm số, thứ hạng PCI của tỉnh những năm tiếp theo nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá, xếp ở vị trí từ 40-50 trên 63 tỉnh/thành phố.

2. Phương án thực hiện mục tiêu

- UBND tỉnh giao trách nhiệm chủ trì, làm đầu mối cải thiện các chỉ số thành phần và từng chỉ tiêu trong chỉ số thành phần như phân công tại Phụ lục đính kèm. Đơn vị được giao làm đầu mối cải thiện chỉ số thành phần có trách nhiệm đăng ký chỉ số mục tiêu hàng năm; các Sở, ngành còn lại chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị được giao làm đầu mối để thực hiện các chỉ tiêu trong chỉ số.

- UBND tỉnh thành lập Tổ giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Đắk Nông do 01 lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ: kiểm tra, giám sát các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã thực hiện Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Đắk Nông; đề xuất UBND tỉnh kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện; Kiến nghị hình thức, biện pháp xử lý đối với các đơn vị đầu mối, các cơ quan phối hợp thực hiện chỉ số thành phần khi chưa bảo đảm mục tiêu hoặc đánh giá chất lượng quản lý điều hành liên quan đến doanh nghiệp không được cải thiện, suy giảm; biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị đạt và vượt mục tiêu, được doanh nghiệp đánh giá cải thiện tốt.

III. GIẢI PHÁP

Để đạt được mục tiêu cải thiện chỉ số PCI trong năm 2018, UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất: Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình nhận thức đúng về đối tượng chấm điểm, nội hàm của các chỉ số thành phần PCI để cùng thống nhất và hành động.

Thứ hai: Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan chủ động giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng trong thời gian nhanh nhất, với chi phí thấp nhất, hiệu quả nhất. Hỗ trợ doanh nghiệp để được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của tỉnh. UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm Thủ trưởng đơn vị nào không thực hiện, thực hiện không hiệu quả nội dung chỉ đạo này.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tăng cường công tác nắm bắt thông tin, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc triển khai các dự án đầu tư để chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua việc triển khai tốt mô hình “Cà phê doanh nhân” và các chương trình đối thoại doanh nghiệp. Qua đó, cải thiện chỉ số phụ “Thái độ của chính quyền địa phương với khu vực kinh tế tư nhân”. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh phê bình những đơn vị chậm trễ trong việc trả lời, trả lời không đầy đủ, hoặc không giải quyết triệt để, nhanh chóng các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư và công khai để các doanh nghiệp và nhà đầu tư biết.

Thứ ba: Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các nhóm giải pháp tập trung vào 4 khía cạnh:

[...]