Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 170/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 150/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 170/KH-UBND
Ngày ban hành 10/09/2022
Ngày có hiệu lực 10/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 10 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 150/QĐ-TTG NGÀY 28/01/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện của tỉnh để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, bền vững. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân. Phát triển nông thôn toàn diện, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%.

- Tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân 5,5%/năm.

- Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng trên 6 lần so với năm 2021. Trên 75% sản phẩm xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc; phấn đấu có sản phẩm xuất khẩu đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam.

- Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân trên 2%/năm.

- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.

- 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (122 xã), trong đó: 50% số xã (61 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã (18 xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 70% số đơn vị cấp huyện (04 cấp huyện) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện (01 cấp huyện) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 65%. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 100.000 ha.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Phấn đấu Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Tuyên Quang không có hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

II. ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG

1. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết, tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt.

a) Định hướng theo nhóm sản phẩm:

- Sản phẩm chủ lực của tỉnh (lúa gạo; cam; bưởi; chè; mía; lạc; chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm; nuôi trồng và khai thác thủy sản; gỗ rừng trồng): Được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

- Sản phẩm đặc sản địa phương (gạo đặc sản, cá, chè hữu cơ, lợn đen, gà thả vườn, vịt bầu địa phương thả suối, dê núi, rau quả đặc sản, cây dược liệu): Thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tiếp cận thị trường bền vững theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chú trọng hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa phương và nhãn hiệu hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, quản lý và thương mại sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu. Các huyện, thành phố tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt phát triển các gia trại, trang trại nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

(Các sản phẩm chủ lực, đặc sản đã được định hướng phát triển 04 vùng: Vùng núi cao phía Bắc, Vùng đồi núi phía Bắc, Vùng trung tâm, Vùng phía Nam theo Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 08/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030)

b) Phát triển lĩnh vực sản xuất:

- Trồng trọt:

+ Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung đối với các cây trồng chủ lực (Cam, chè, bưởi, mía, lạc) ứng dụng khoa học công nghệ, có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Phát triển các sản phẩm đặc sản có lợi thế của các địa phương: Chè Shan tuyết, lê Hồng Thái, hồng Xuân Vân, lúa đặc sản, đỗ xanh, rau quả đặc sản… Mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ, ...) trên cây trồng tại các huyện, thành phố (tổng diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất cây trồng chính: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè….). Chuyển giao, ứng dụng giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, có truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính) đối với một số loại cây trồng có lợi thế (rau, củ quả).

+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính. Mở rộng phát triển công nghiệp chế biến nông sản hiện đại góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong nước và xuất khẩu.

[...]